Có thể duy trì nòi giống trên vũ trụ?
Một câu hỏi hóc búa: Nếu phải mất hàng ngàn năm mới đến được hành tinh thích hợp, liệu con người có thể sinh con trên tàu vũ trụ hay không?
(Ảnh minh họa)
Nhà vật lý học nổi tiếng thế giới Stephen Hawking từng đưa ra nhận xét đáng lưu ý rằng, nhân loại cần phải mở rộng lãnh thổ đến các hành tinh xa xôi trong thế kỷ tới nếu muốn giống loài tiếp tục tồn tại như hiện nay. Với những thông tin ảm đạm về biến đổi khí hậu trái đất, cũng như viễn cảnh các thiên thạch có thể đâm vào hành tinh xanh trong tương lai không xa, giới khoa học đã và đang suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề hóc búa được đặt ra trong những hành trình kéo dài nhiều năm trong vũ trụ. Nếu phải mất hàng ngàn năm mới đến được hành tinh thích hợp, liệu con người có thể sinh con trên tàu vũ trụ được hay không? Kết quả nghiên cứu ban đầu của NASA cho thấy, vũ trụ dường như chẳng phải là nơi thích hợp cho chuyện duy trì nòi giống.
Theo báo cáo trên chuyên san Journal of Cosmology, các nhà du hành vũ trụ được khuyên, nên tránh thụ thai trên tàu không gian vì cơ thể của họ bị tấn công bởi một lượng phóng xạ quá lớn khi di chuyển trong vũ trụ. Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA vừa phát hiện: nếu không dựng được một lá chắn hiệu quả cho thế hệ phi thuyền sau này, các hạt proton cực mạnh có thể hủy hoại trứng được thụ tinh trên không gian. Họ còn kết luận rằng khả năng sinh con của các phi hành gia nam cũng bị ảnh hưởng khủng khiếp, do các hạt đó phá hoại lượng tinh trùng trong tinh dịch. Thậm chí lá chắn hiện nay cũng không đảm bảo được thai nhi trong chuyến du hành đến sao Hỏa. Nghiên cứu ở động vật không thuộc loài linh trưởng cho thấy các tia phóng xạ tiêu diệt các tế bào trứng trong dạ con vào giữa sau của thai kỳ.
Phóng xạ trên vũ trụ đến từ vô số nguồn khác nhau, nhưng 2 loại khiến NASA lo lắng nhất là bức xạ từ mặt trời và tia vũ trụ từ các thiên hà (GCR). Bức xạ mặt trời là kết quả của các vụ nổ khủng khiếp trong khí quyển mặt trời, phóng ra những luồng hạt proton mang điện tích. Tia GCR thậm chí còn nguy hiểm hơn vì mang theo các hạt nặng hơn. Nếu các lá chắn của NASA tạm thời vẫn có thể ngăn được phần lớn bức xạ mặt trời, chúng vô dụng trước các tia GCR.
Cho đến gần đây, chuyện chăn gối vẫn là vấn đề nhạy cảm đối với NASA. Các phi hành gia được yêu cầu phải luôn duy trì mối quan hệ “trong sáng” khi đang thi hành nhiệm vụ. Cặp vợ chồng đầu tiên lên chung tàu vũ trụ là Jan Davis và Mark Lee, nhưng họ luôn cho rằng không hề “gần gũi” nhau trong lúc làm nhiệm vụ.