Có thể mây nhiễm xạ không đến Việt Nam

Đến 16g ngày 24-3, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền, viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cho biết, hiện chưa phát hiện có mây phóng xạ bay tới Việt Nam như dự báo của một số đài khí tượng nước ngoài trong mấy ngày qua, chủ yếu là từ vùng biển sát đất liền ở TP.HCM đến vùng Tây Nam bộ.


Công nhân tại các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật sau động đất

Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền nói, nhiều khả năng hôm nay (25-3) mây nhiễm xạ không vào đất liền như dự báo nữa mà có xu hướng bị đẩy ra biển xa vì thay đổi theo chiều gió và hiện giờ gió đang thổi theo hướng đông - đông nam.

Theo các chuyên gia, nếu có mây phóng xạ từ Nhật đến thì người dân cũng không nên quá lo lắng vì mức phóng xạ rất thấp, khó gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tiến sĩ Điền cho biết, hiện công tác quan trắc ở các trạm đo phóng xạ của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt vẫn hoạt động thường xuyên để khi có dấu hiệu khác thường sẽ thông báo chính thức. Trước đó, trạm quan trắc Đà Lạt đã ghi nhận kết quả kiểm xạ môi trường trong hai ngày 22 và 23-3, gồm trong bụi khí chỉ quan trắc thấy các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7 có nguồn gốc từ tia vũ trụ; K-40, Th-232 và U-238 có nguồn gốc từ bụi đất.

Số liệu của Trung tâm ứng phó sự cố - Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tại Hà Nội trong ngày 23-3 cũng cho thấy chưa có mức tăng bức xạ bất thường so với những ngày trước.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất