Có thể xóa được ký ức
Các nhà khoa học vừa phát hiện cơ chế xóa ký ức cũ để dọn đường cho ký ức mới của não bộ. Phát hiện này sẽ góp phần phát triển loại thuốc xóa trí nhớ để giúp con người quên đi những thứ không mong muốn.
Các nhà nghiên cứu thường tranh cãi về nguyên nhân con người quên, ví dụ tại sao ký ức ngắn hạn mới dung nạp tan biến rất nhanh. Có thuyết cho rằng, những ký ức như vậy không ổn định nên mờ dần theo thời gian. Theo một thuyết khác, sự can thiệp bên ngoài khiến ký ức ngắn hạn bị ghi đè khi dữ liệu mới được đưa vào.
Cả hai thuyết này đều cho rằng, quên là một cơ chế thụ động. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất, “đó là hệ thống chủ động xóa bỏ ký ức, hoàn toàn độc lập với các cơ chế tạo ra ký ức", Yi Zhong - nhà thần kinh học công tác tại Trường Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) và Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor (Mỹ) - nhận định.
Ông Zhong và cộng sự phát hiện ra cơ chế mới sau khi cho ruồi giấm ngửi hai mùi. Khi ruồi giấm ngửi mùi thứ nhất, họ gây sốc nhẹ thông qua chân của chúng. Thông thường, điều này khiến ruồi giấm tránh mùi bị gây sốc và tìm đến mùi thứ hai.
Trong đợt thí nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu để ruồi giấm yên khi thời gian huấn luyện ngửi mùi kết thúc. Sau đó, họ tái kiểm tra ruồi giấm ở những thời điểm nhất định khi mà trí nhớ của chúng đã mờ dần. Trong đợt thí nghiệm thứ hai, các nhà nghiên cứu làm gián đoạn ký ức mùi - sốc của ruồi giấm bằng cách cho chúng ngửi hai mùi mới. Cuối cùng, họ đảo ngược bài học của ruồi giấm bằng cách gây sốc khi cho chúng ngửi mùi thứ hai.
Trong mọi trường hợp, ruồi giấm quên hết những sự kiện, bài học trước đó. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân là do một loại protein tên là Rac đã được giải phóng theo thời gian. Loại phân tử này tương tác nhanh hơn khi ruồi giấm bị rối trí vì những trải nghiệm mới hoặc bối rối trước thông tin trái chiều.
Khi Rac bị phong tỏa, ruồi giấm lưu giữ ký ức mới dung nạp lâu hơn, từ vài giờ đến hơn một ngày. Khi các nhà nghiên cứu tăng lượng Rac trong nơ-ron của loài côn trùng này, những ký ức mới nhanh chóng bị xóa bỏ. Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ những phân tử nào tham gia vào quá trình hình thành ký ức. “Bằng cách nghiên cứu những thứ bị xóa bỏ hoặc thay đổi do cơ chế mới này, chúng ta có thể xác định được nền tảng vật liệu của trí nhớ”, ông Zhong nói.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, cơ chế quên mà họ mới phát hiện ở ruồi giấm có thể tương tự ở các loài vật khác, ví dụ như chuột. Một điều thú vị là, những thay đổi ở các phân tử khác liên quan đến Rac có quan hệ với sự chậm phát triển trí tuệ ở con người.
“Chúng tôi đang tiếp tục thí nghiệm để xem cơ chế quên này có áp dụng với ký ức dài hạn hay không. Rac hoặc các phân tử liên quan có thể là mục tiêu của việc sản xuất thuốc xóa trí nhớ”, ông Zhong nói.
Mặc dù loại thuốc này có thể bị lợi dụng cho những mục đích đen tối, nhưng chúng sẽ giúp chữa trị các chứng rối loạn khiến con người cứ phải nhớ mãi những chấn thương tinh thần.