Có tới 15-23 tỉ tấn vi sinh vật dưới mặt đất

Nhóm các nhà khoa học toàn cầu phát hiện hệ sinh quyển bên dưới bề mặt Trái đất lớn gấp đôi các đại dương trên thế giới.

Mặc dù nhiệt độ cực cao, không có ánh sáng, rất ít dinh dưỡng và áp lực cực mạnh nhưng các nhà khoa học ước tính hệ sinh quyển dưới lòng đất có khoảng từ 15-23 tỉ tấn vi sinh vật.


Một con giun tròn trong màng sinh học của các vi sinh vật dưới mặt đất - (Ảnh: Science Daily).

Sự đa dạng của các loài ở hệ sinh quyển dưới lòng đất có thể sánh với hệ sinh quyển tại rừng Amazon hay quần đảo Galápagos nhưng môi trường lại không giống do con người hầu như chưa thăm dò hệ sinh quyển dưới lòng đất, theo các nhà khoa học thuộc chương trình nghiên cứu toàn cầu "Deep Carbon Observatory".

"Điều đó giống như việc tìm thấy nguồn sống mới trên Trái đất. Chúng ta phát hiện ra những dạng sống mới. Hầu hết những dạng sống này nằm trong lòng đất hơn là nằm trên bề mặt đất" - giáo sư Karen Lloyd của ĐH Tennessee ở Knoxville, Mỹ nhận định.


Tế bào hình que màu xanh và tím là một loài vi khuẩn sống trên phân tử khí hydro - (Ảnh: Science Daily).

Các mẫu trong nghiên cứu được lấy từ các lỗ khoan sâu hơn 5km và các điểm khoan dưới biển để xây dựng các mô hình của hệ sinh quyển và ước tính lượng carbon vận động trong hệ.

Theo báo Guardian, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng 70% vi khuẩn và cổ khuẩn của Trái đất tồn tại dưới mặt đất. Điều kỳ diệu là một số vi sinh vật có thể tồn tại hàng thiên niên kỷ. Chúng hoạt động trao đổi chất nhưng sử dụng rất ít năng lượng để hỗ trợ cho sự sống.

Nhà sinh thái học về vi sinh Rick Colwell của ĐH Bang Oregon cho biết thời gian của cuộc sống dưới mặt đất hoàn toàn khác so với trên mặt đất. Một số vi sinh vật đã tồn tại hàng ngàn năm, hầu như không di chuyển ngoại trừ sự dịch chuyển trong các mảng kiến tạo do động đất hoặc phun trào núi lửa.

Hệ sinh quyển dưới mặt đất cũng khác nhau tùy thuộc địa chất và địa lý.


Hệ sinh quyển bên dưới mỏ sắt ở Soudan, Minnesota, Mỹ - (Ảnh: deepcarbon.net).

Có hơn 1.200 khoa học gia thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau từ 52 quốc gia trên thế giới tham gia chương trình "Deep Carbon Observatory" nghiên cứu về sự vận động của carbon bên dưới bề mặt Trái đất.

Nghiên cứu kéo dài 10 năm với khoản kinh phí 500 triệu USD sẽ kết thúc vào năm 2019.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất