Cổ văn Hindu 6.000 tuổi tiết lộ hiện tượng thiên văn kỳ lạ
Các nhà khoa học vừa khám phá ra bí mật lớn đằng sau đoạn mô tả về "Mặt trời bị xuyên thủng", "ma thuật biến mất" trong một bản cổ văn Hindu.
Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Journal of Astronomical History and Heritage đã xác định một số đoạn viết về hiện tượng kỳ lạ xảy ra với Mặt trời trong cổ văn Hindu nổi tiếng Rig Veda (có khi được viết liền là Rigveda), có thể là những mô tả khoa học đầu tiên của nhân loại về nhật thực.
Hai hiện tượng có vẻ hắc ám mà cổ văn Hindu mô tả có thể là viết về nhật thực toàn phần thời cổ đại - (Minh họa AI: Anh Thư).
Theo Live Science, ngôn ngữ của Rig Veda mang tính biểu tượng và ngụ ngôn cao, khiến việc phân biệt câu chuyện nào là thần thoại và câu chuyện nào là lịch sử trở nên khó khăn.
Nhưng hai nhà thiên văn học Mayank Vahia từ Viện nghiên cứu cơ bản Tata (Ấn Độ) và Mitsuru Soma của Đài quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản đã "nhặt được vàng".
Rig Veda là một bộ sưu tập các câu nói và thánh ca từ nhiều trường phái tôn giáo và triết học khác nhau, được biên soạn vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên.
Giống như hầu hết các văn bản tôn giáo, nó đề cập đến các sự kiện lịch sử. Trong đó, có một số đoạn liên quan đến thiên văn.
Ví dụ một đoạn mô tả vị trí ví dụ vị trí Mặt trời mọc trong thời điểm xuân phân, một đoạn khác nói rằng xuân phân xảy ra ở chòm sao Lạp Hộ, một đoạn khác lại mô tả nó xảy ra trong cụm sao Tua Rua (sao Rua, cụm Thất Nữ).
Nhưng thứ khiến nhà khoa học Ấn Độ và Nhật Bản là những đoạn văn hoa mỹ mô tả Mặt trời như bị xuyên thủng bởi bóng tối và sự u ám, hay cách mà các sinh vật xấu xa tạo ra "ma thuật biến mất" đối với vầng Thái Dương.
Họ cũng lưu ý rằng những đoạn văn này không đề cập đến câu chuyện về Rahu và Ketu, một thần thoại Hindu gần đây hơn về nhật thực, cho thấy những đoạn cổ văn trong Rig Veda đã được viết nên trước đó.
Những đoạn tiếp theo giúp các nhà thiên văn học thu hẹp khung thời gian của nhật thực.
Một lần nhật thực được mô tả xảy ra khi xuân phân ở chòm sao Lạp Hộ, một lần khác chỉ 3 ngày trước thu phân.
Các hiện tượng được mô tả phù hợp với nhật thực toàn phần, vốn đủ làm tối đi bầu trời buổi sáng. Khu vực thấy được nhật thực toàn phần phải là nơi mà những người viết Rig Veda sau này sinh sống.
Như vậy chỉ có 2 ngày phủ hợp: ngày 22-10-4202 trước Công nguyên và ngày 19-10-3811 trước Công nguyên.
Điều này có nghĩa mô tả đầu tiên là về một hiện tượng nhật thực từ 6.200 năm trước, mô tả thứ 2 là nhật thực 5.800 năm trước.
Cả hai ngày này đều sớm hơn những lần nhật thực được mô tả từ cổ văn ở những nơi khác, bao gồm một tấm bia đất sét tại Syria ghi lại nhật thực vào năm 1375 hoặc 1223 trước Công nguyên và một bản khắc trên đá ở Ireland có thể mô tả nhật thực năm 3340 trước Công nguyên.