"Cốc giấy không nhựa" dùng một lần, phân hủy hoàn toàn trong đất

Mới đây, một công ty tại Anh đã cho ra mắt một loại cốc giấy không nhựa dùng một lần, có thể phân hủy hoàn toàn trong đất và được thiết kế nắp độc đáo chống tràn.

Theo trang Daily Mail (Anh), những chiếc cốc giấy thông thường thường đi kèm với một chiếc nắp nhựa và được tráng một lớp chống thấm bằng nhựa bên trong, làm giảm khả năng tái chế của nó. Loại cốc này có thể mất đến nhiều thập kỷ để phân hủy và giải phóng các hạt vi nhựa siêu nhỏ và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


"Cốc giấy không nhựa" dùng một lần, phân hủy hoàn toàn trong đất. (Ảnh: ButterflyCup).

Để giải quyết những hạn chế trên, một công ty ở Anh đã chế tạo ButterflyCup, loại cốc được sản xuất hoàn toàn từ giấy với mực in có nguồn gốc từ thực vật và lớp phủ phân tán gốc nước giúp chống thấm. Chiếc cốc này cũng có thể ủ thành phân trộn hoặc tái chế thành các chất thải giấy và bìa cứng. 

ButtlerflyCups thậm chí còn được tái sử dụng để gieo hạt và sau đó vùi dưới đất và sau đó chúng sẽ phân hủy hoàn toàn. Đây là một giải pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa hiện nay. 

Chiếc cốc đặc biệt sẽ ra mắt tại các trung tâm Wildfowl & Wetlands Trust (WWT) trên khắp Vương quốc Anh. Nhà thiết kế Tommy McLoughlin hiện đang đàm phán với một số chuỗi cà phê lớn về việc sử dụng phổ biến loại cốc này trên thị trường.

Các chuyên gia ước tính rằng tại Anh, có khoảng 2,5 tỉ cốc cà phê dùng một lần được thải ra môi trường mỗi năm, với chỉ 1/400 chiếc cốc thực sự được tái chế.  

“Có một điều đáng tiếc là trong số hàng tỉ cốc cà phê mà người Anh sử dụng mỗi năm, có rất ít cốc được tái chế. Chúng tôi tạo ra ButterflyCup để giải quyết thảm họa sinh thái này và giúp giải quyết điều đó. Chúng tôi tin rằng đây là chiếc cốc dùng một lần thân thiện với môi trường nhất trên thế giới và hy vọng sẽ có thêm nhiều cửa hàng cà phê trên khắp Vương quốc Anh lựa chọn sử dụng loại cốc cho khách hàng của họ trong tương lai gần”, ông Tommy McLoughlin, Giám đốc điều hành kiêm Nhà sáng lập ButterflyCup, cho biết.

Tên gọi ButterflyCup được lấy cảm hứng từ thiết kế nắp gấp độc đáo của nó. Thiết kế gấp độc đáo này đã được cấp bằng sáng chế. Nắp chiếc cốc vừa có thể được đậy kín hoàn toàn mà không cần nắp, vừa có vai trò thay thế một chiếc ống hút. Cùng với đó, loại giấy được xử lý đặc biệt bên trong cốc giúp đảm bảo chống bắn nước, thấm và nhỏ giọt. Cốc cũng có thể chứa được cả đồ uống nóng và lạnh.


Nắp chiếc cốc vừa có thể được đậy kín hoàn toàn mà không cần nắp, vừa có vai trò thay thế một chiếc ống hút. (Ảnh: ButterflyCup).

Theo các nhà thiết kế, chi phí sản xuất mỗi chiếc cốc ButterflyCup chỉ tốn khoảng 1 xu, rẻ hơn nhiều so với cốc tráng nhựa và nắp nhựa thông thường. Chi phí sản xuất cốc cũng rẻ hơn 3 xu so với những chiếc cốc tráng Axit Polylactic (PLA), có nắp tương tự.

ButterflyCup ra mắt 5 năm sau khi đầu bếp truyền hình Hugh Fearnley-Whittingstall nêu bật những khó khăn vốn có trong việc tái chế những chiếc cốc mang đi thông thường, trong bộ phim tài liệu “Cuộc chiến chống chất thải của Hugh" được phát sóng trên đài BBC.

“Sự thật là không có chiếc cốc nào trong số những chiếc cốc được các hãng cà phê lớn sử dụng được tái chế. Kinh khủng hơn là không ai chịu trách nhiệm về điều đó, tất cả các nhà bán lẻ cà phê lớn đã tạo ra hàng núi rác mang đi này", đầu bếp Hugh nói.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất