Cóc quỷ cổ đại ngoạm chết khủng long bằng một nhát cắn
Một loài cóc cổ đại to lớn sống trên Trái Đất cách đây 68 triệu năm có nhát cắn mạnh đến mức có thể ăn thịt cả khủng long nhỏ.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Adelaide, Australia, xem xét hóa thạch 68 triệu năm tuổi của loài cóc tên Beelzebufo hay còn gọi là cóc quỷ, theo News.com.au. Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature hôm qua, loài cóc dài tới nửa mét và nặng hơn 4,5kg này có lực cắn siêu mạnh.
Hình phục dựng của cóc quỷ. (Ảnh: Wikipedia).
Việc phục dựng lại các đặc điểm giải phẫu của cóc quỷ dựa trên hóa thạch tìm thấy năm 1998 cho phép nhóm nghiên cứu tính toán lực cắn của nó. Loài ếch Ceratophrys, hậu duệ ngày nay của chúng, sở hữu chiếc đầu có bề rộng 4,5cm. Những con ếch Ceratophrys có sừng có thể tạo ra lực cắn lên tới 30 newton.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi đo lực cắn ở một loài ếch. Từ kinh nghiệm của mình, chúng tôi phát hiện ếch sừng có lực cắn khá ấn tượng và chúng không dễ dàng nhả ra. Lực cắn của một con cóc quỷ lớn sẽ rất lớn và đó chắc chắn không phải thứ tôi muốn thử qua", giáo sư Kristopher Lappin ở Đại học Bách khoa California, Mỹ, cho biết.
"Không giống phần lớn ếch vốn có hàm yếu và thường ăn con mồi nhỏ, ếch sừng rình bắt những động vật lớn ngang cơ thể chúng, bao gồm các loài ếch khác, rắn và chuột", tiến sĩ Marc Jones, nhà nghiên cứu ở Trường Sinh vật học thuộc Đại học Adelaide, nói.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra cóc quỷ với đặc điểm giải phẫu rất giống ếch sừng hiện đại, có lực cắn là 2.200 newton, sánh ngang với những con sói và hổ ngày nay. "Với lực cắn này, cóc quỷ có thể khuất phục những con khủng long nhỏ chưa trưởng thành trong môi trường sống của chúng", tiến sĩ Jones kết luận.