"Cơn mưa thủy tinh" đổ xuống bãi biển Hiroshima

Các nhà khoa học đã tìm cách giải thích cho những mẩu thủy tinh kỳ lạ hình giọt nước xuất hiện khắp các bãi biển xung quanh thành phố Hiroshima (Nhật Bản).

Hơn 10.000 mẫu vật kỳ lạ được đặt biệt danh là Hiroshimaites hay "di sản ma quái của Hiroshima" đã được nhà địa chất học và sinh thái biển về hưu người Mỹ Mario Wannier thu thập trên nhiều bãi biển quanh thành phố Hiroshima - Nhật Bản. Đó là những mẩu thủy tinh, đa số mang hình giọt nước và rất giống "thủy tinh thiên thạch" bắn ra từ vụ thảm họa không gian giết chết loài khủng long 66 triệu năm trước.


Một số hình dạng các giọt thủy tinh mà ông Mario Wannier thu thập được - (ảnh: Mario Wannier).

Những mẫu vật đã được các đồng nghiệp của ông Wannier tại Phòng thí nghiệm Berkeley, thuộc Đại học California ở Berkeley (UC Berkeley - Mỹ) phân tích bằng kính hiển vi điện tử và tia X.

Sau cùng, trong bài công bố trên tạp chí khoa học Anthropocene mới đây, nhóm nghiên cứu khẳng định rằng đó không phải là thủy tinh sinh ra từ một vụ va chạm thiên thạch. Một thảm họa khác, vụ đánh bom nguyên tử của Mỹ xuống thành phố Hiroshima năm 1945, là "lời giải thích mạch lạc duy nhất".


Quả bom nguyên tử Little Boy đã khiến mưa thủy tinh rơi xuống nhiều bãi biển quanh thành phố Hiroshima - (ảnh: Mario Wannier).


Một số hạt thủy tinh khác - (ảnh: Mario Wannier).

Theo nhà nghiên cứu Wannier, những hạt thủy tinh này chiếm tới 2,5% tổng số cát trên các bãi biển xung quanh thành phố Hiroshima. Quả bom nguyên tử mang tên "Little Boy" đã tác động đến nơi này gần giống như một thiên thạch khổng lồ lao xuống.

Không chỉ đốt cháy tất cả, thảm họa còn làm bắn các tàn dư vào các đám mây quá nóng, trước khi đổ một cơn mưa thủy tinh xuống thành phố và khu vực xung quanh.


Một trong các bãi biển nơi tìm thấy dấu tích "mưa thủy tinh" - (ảnh: UC BERKELEY).

Phân tích khoáng vật trong các hạt thủy tinh, các nhà khoa học nhận thấy chúng không phải thủy tinh tinh khiết như những chiếc ly uống nước của bạn. Đồng tác giả, giáo sư khoáng vật học Rudy Wenk từ UC Berkeley cho biết nhiều hạt thủy tinh có hình dạng bất thường, một số chứa các hạt rất nhỏ có nguồn gốc từ sắt, thép hay vật liệu xây dựng bị nghiền vụn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất