Con người có thể lên không gian bằng tên lửa mạnh mẽ nhất lịch sử
NASA đang nghiên cứu khả năng gửi các phi hành gia lên không gian bằng hệ thống phóng tên lửa mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Hệ thống này sẽ tăng tốc độ đáng kể cho kế hoạch trở lại Mặt Trăng và đi đến Sao Hỏa của loài người.
NASA trước đây đã lên kế hoạch phóng Sứ mệnh không người lái EM-1 lên quỹ đạo của Mặt Trăng vào tháng 9/2018. Sứ mệnh này dự kiến sẽ được phóng lên bằng hệ thống phóng tên lửa SLS mạnh mẽ nhất mọi thời đại.
Vì đây là sứ mệnh đầu tiên sau bao nhiêu thập kỷ con người chưa quay trở lại Mặt Trăng, và là sứ mệnh đầu tiên được tiến hành bởi SLS, nên NASA vẫn chưa đưa người lên điều khiển nhiệm vụ.
Mô phỏng một sứ mệnh được phóng lên bởi hệ thống phóng tên lửa SLS mạnh mẽ. (Ảnh: NASA).
Nhưng mới đây, NASA cho biết họ đã tính toán và nghiên cứu khả năng sẽ đưa các phi hành gia trực tiếp tham gia sứ mệnh này. Trước đó, cơ quan hàng không này dự kiến sẽ đưa con người lên không gian bởi sứ mệnh Orion cũng từ hệ thống phóng SLS, sớm nhất là vào năm 2021.
Điều này gây bất ngờ lớn khi nó không giống như những tiêu chuẩn truyền thống của NASA. Dư luận cho rằng, có lẽ đây là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Trump bày tỏ sự quan tâm đến việc đưa con người trở lại du hành trên Mặt Trăng.
"Tôi biết sẽ có nhiều thách thức liên quan đến đề xuất này, nhưng xét về tính khả thi trong kỹ thuật và nguồn lực, chúng ta cần có một cơ hội để thúc đẩy các nỗ lực về những chuyến bay có người lái, dẫn đến việc con người sẽ đi xa hơn trong không gian", quản trị viên Robert Lightfoot của NASA cho biết.
Hiện nay vẫn còn quá sớm để biết sứ mệnh EM-1 có người lái sẽ hoạt động như thế nào. Nhưng theo những kế hoạch đã được đặt ra từ trước, sứ mệnh EM-1 không người lái là một tàu vũ trụ Orion tự động thu thập dữ liệu khi nó xoay xung quanh Mặt Trăng trong 6 ngày ở khoảng cách 70.000 km.
Có thể thấy được rằng, tàu Orion có người lái sẽ là một chuyến bay ngắn, kết thúc nhanh gọn, như sứ mệnh Apollo 8 vào năm 1968 – sứ mệnh đầu tiên đưa phi hành đoàn bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng.
Ngoài vấn đề về thời gian chuẩn bị cho sứ mệnh, sẽ còn nhiều vấn đề khác cần được giải quyết khi đưa người theo chuyến bay này. Tàu Orion hiện không có hệ thống hỗ trợ sinh hoạt và làm việc cho các phi hành gia, cũng như hệ thống phóng SLS chưa trải qua bài thử nghiệm khi phóng tên lửa có con người.
Hiện nay vẫn còn quá sớm để biết sứ mệnh EM-1 có người lái sẽ hoạt động như thế nào.
Nếu tất cả những trở ngại được khắc phục, EM-1 sẽ là một sứ mệnh quan trọng, làm tiền đề cho những sứ mệnh kế tiếp của nó, EM-2 dự kiến sẽ được phóng đi từ 3 đến 5 năm sau đó. EM-2 sẽ đưa con người đặt chân lên Mặt Trăng lần đầu tiên kể từ năm 1972.
Tuy vậy, mục đích cuối cùng của hệ thống phóng SLS không chỉ quanh quẩn giữa Trái Đất và Mặt Trăng, mà tham vọng của nó là đưa con người lên Sao Hỏa vào một ngày trong tương lai gần.
Những chuyến bay lên Mặt Trăng chỉ là bài thử nghiệm cho cuộc đại viễn chinh của nhân loại đến Sao Hỏa.
NASA hy vọng, những chuyến bay đưa con người lên Mặt Trăng để sinh sống và làm việc sẽ nhận được kinh nghiệm quý báu để chuẩn bị cho chuỗi ngày định cư trên hành tinh đỏ.