Con người đã mắc bệnh tim từ cách đây 4.000 năm

Chứng tắc và xơ vữa động mạch gây ra bệnh tim và đột quỵ ở người đã tồn tại cách đây khoảng 4.000 năm trước chứ không phải là căn bệnh mới xuất hiện trong cuộc sống hiện đại khi con người tiêm nhiễm các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu và lười vận động.

Đây là kết quả thu được từ nghiên cứu xác ướp cổ đại quy mô lớn của các nhà khoa học vừa được công bố trên tạp chí y học The Lancet số ra ngày 10/3.

Sau khi tiến hành chụp CT 137 xác ướp cổ có niên đại khoảng 4.000 năm (từ năm 3.800 trước Công nguyên - năm 1.900 sau Công nguyên) từ bốn khu vực khảo cổ gồm Ai Cập, Peru, Tây Nam Mỹ và các đảo Aleutian ở Alaska, nhóm nghiên cứu cho thấy 1/3 số xác ướp trên từng mắc chứng xơ vữa và xơ cứng động mạch.


Động mạch bị xơ vữa

Điều đáng nói là những chứng bệnh này tồn tại ở cả những xác ướp vốn là những cư dân cổ đại có lối sống lành mạnh, vận động nhiều ở quần đảo Aleutian, những người sống theo hình thức bầy đàn và tập tục săn bắt hái lượm.

Tiến sỹ Randall Thompson một chuyên gia về tim mạch tại Viện Tim trung Mỹ thuộc thành phố ở Kansas (Mỹ) và cũng là tác giả bài viết khẳng định "bệnh tim đã rình rập nhân loại hơn 4.000 năm trên toàn cầu".

Ông cho rằng lối sống lành mạnh trong cuộc sống không thể loại bỏ được hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh tim.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng bệnh tim mạch rất có thể là kết quả tự nhiên của tuổi già, không hẳn là do gặp phải những yếu tố rủi ro từ thói quen hút thuốc, uống rượu, ăn thức ăn giàu chất béo và không tập thể dục.

Các nhà khoa học trên cho biết mặc dù lối sống lành mạnh không giải quyết hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh tim, vì đây là một căn bệnh có nguy cơ tiềm ẩn "cố hữu" ở loài người, nhưng việc tập thể dục, ăn uống điều độ, không hút thuốc lá... là những yếu tố giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất