Con người sắp có thể "nói chuyện" được với thú cưng nhờ công nghệ AI
Có một điều mà chủ nhân của những con thú cưng thường hay tự hỏi khi nhìn vào chúng khi chúng phát ra những âm thanh "gâu gâu", "meo meo", hay những âm thanh khác, đại loại như vậy… đó là nó có ý nghĩa gì?
Tiến sĩ Con Slobodchikoff, giáo sư danh dự ngành sinh học tại Đại học Bắc Arizona (Mỹ) cũng có thắc mắc tương tự và ông đã dành 30 năm cuộc đời mình để nghiên cứu hành vi của chúng. Và bây giờ, ông bắt tay vào xây dựng một startup sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giúp cho chúng ta sẽ không còn phải thắc mắc thêm lâu nữa.
Động vật cũng có ngôn ngữ riêng của chúng.
Slobodchikoff chia sẻ với trang công nghệ Digital Trends: "Càng đi sâu vào nghiên cứu, chúng tôi càng thấy rằng động vật cũng có ngôn ngữ riêng của chúng. Trong cuốn sách của mình có tựa đề "Chasing Doctor Dolittle: Learning the Language of Animals", tôi chỉ ra nhiều động vật có khả năng ngôn ngữ hoặc gần giống như là một loại ngôn ngữ. Trong quá khứ, rất khó để giải mã các ngôn ngữ này, nhưng bây giờ chúng ta có các công cụ giúp chúng ta có thể làm được. Mục tiêu của Zoolingua là bắt đầu với chó bởi vì nhiều người không hiểu được những gì chúng đang cố gắng nói với họ và sử dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI), tạo ra một thiết bị cho phép con người có thể giao tiếp với chó. Khi hoàn tất, chúng tôi sẽ mở rộng ra các thiết bị cho phép mọi người liên lạc với mèo, ngựa, bò, lợn, dê và động vật hoang dã".
Nghiên cứu của Slobodchikoff bắt đầu bằng việc phân tích tiếng gọi bầy của loài sóc chó (cầy thảo nguyên), mà ông nhận thấy có một ngôn ngữ phức tạp có thể mô tả tất cả mọi thứ từ sự hiện diện của một kẻ săn mồi gần đó (đối tượng rõ ràng) cho tới màu sắc của quần áo cụ thể của con người (ít rõ ràng hơn). Sau đó ông hợp tác với đồng nghiệp là một nhà khoa học máy tính đưa những hiểu biết đó vào máy dịch. Đó chính là nền tảng thúc đẩy sự ra đời của Zoolingua vào năm 2017.
Công việc tại công ty sẽ không chỉ tập trung vào những lời nói, ông chia sẻ: "Chúng tôi đang trong quá trình xây dựng một thiết bị đọc thứ ngôn ngữ (của chó) và thể hiện giọng nói của nó sử dụng công nghệ AI và điện toán đám mây sẽ cho mọi người biết chú chó của họ đang nói gì với họ bằng tiếng Anh. Ở thời điểm hiện tại, có khoảng 2-3 triệu chú chó bị giam giữ mỗi năm tại Mỹ, chủ yếu là do các vấn đề về hành vi phát sinh từ sự bất lực của chúng nhằm truyền đạt nhu cầu của chúng đến với con người. Với thiết bị này, chúng tôi sẽ có thể làm giảm đáng kể các vấn đề hành vi và hành động của động vật. Thêm vào đó, mọi người sẽ thích nói chuyện với chú chó của họ và nghĩ rằng chúng cũng sẽ hiểu họ. Thiết bị này cũng sẽ cho mọi người biết những chú chó của họ thực sự hiểu được những gì họ nói, và thậm chí chúng (những chú chó) có những suy nghĩ và ý kiến riêng của chúng".
Slobodchikoff nói rằng một thiết bị như vậy có thể cần từ hai đến 5 năm nữa để hoàn thiện, tùy thuộc vào nguồn tài chính. Hãy hy vọng Slobodchikoff và các cộng sự làm đúng như lời hứa.