Con nhà quý tộc cũng bị còi xương

Các nhà khoa học đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện những đứa trẻ thuộc một gia đình quý tộc giàu có và hùng mạnh ở Italia hồi thế kỷ 17 cũng bị suy dinh dưỡng và còi xương.

Tình trạng còi xương thường gắn liền với sự suy dinh dưỡng và nghèo khó, nhưng kết quả phân tích xương của 9 đứa trẻ thuộc gia tộc Medicis - một trong những gia tộc hùng mạnh nhất thời Phục hưng, cai trị vùng Florence suốt từ thế kỷ 15 - 18 và là thế lực bảo trợ cho các nghệ sĩ đa tài lừng danh Leonardo da Vinci và Michelangelo, hé lộ chúng cũng là nạn nhân của chứng bệnh này.

Các nhà nghiên cứu thuộc hai trường đại học Pisa và Siena đã có phát hiện gây sửng sốt trên sau khi tiến hành phân tích các mẫu xương thu được dưới sàn của một hầm mộ ở Florence. Theo nhóm chuyên gia khảo cổ, hầm mộ của Giangastone, vị Đại Công tước cuối cùng của gia đình Medicis (1671–1737), đã được lựa chọn cho nghiên cứu vì vẫn còn nguyên vẹn bất chấp các nỗ lực nghiên cứu trước đây, từ trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai.


Các mẫu xương trẻ em thu được tại một hầm mộ của gia đình quý tộc Medicis cho thấy những dấu hiệu đặc trưng của bệnh còi xương. (Ảnh: Daily Mail)

Người ta đã phát hiện một lối vào hầm mộ bí mật khi một chiếc đĩa cẩm thạch bị di dời khỏi sàn nhà nguyện, hé lộ cầu thang đi xuống khu hầm mộ giấu kín.

Trong hầm mộ, nhóm nghiên cứu nhìn thấy một quan tài bằng đá lớn chứa di hài của vị Đại Công tước. Trên sàn có nhiều quan tài nhỏ và các mảnh xương rời được cho là đã bị dịch chuyển khi sông Arno gây ngập lụt vào năm 1966.

Các mẩu xương trẻ em trong hầm mộ được xác định thuộc về những đứa trẻ từ sơ sinh tới 5 tuổi. Chúng cho thấy các dấu hiệu đặc trưng của bệnh còi xương, kể cả chân vòng kiềng và cánh tay cong gập.

Nhóm nghiên cứu nhận định, sự giữ gìn, bảo vệ hậu duệ quá mức của người lớn có thể đã khiến những đứa trẻ trong gia đình Medicis bị còi xương do thiếu vitamin D.

Gia đình Medicis, cũng như nhiều gia đình quý tộc giàu có khác hồi thế kỷ 17, thường giữ con nhỏ trong nhà suốt thời gian dài, một thói quen ngăn cản chúng hấp thu đủ lượng vitamin D cần thiết từ ánh sáng mặt trời. Các nghiên cứu trước đây cũng phát hiện, họ cho con bú tới tận 2 tuổi mới cai sữa và cho ăn bổ sung thực phẩm sền sệt chế biến từ bánh mỳ và táo hoặc ngũ cốc.

Các tác giả nghiên cứu kết luận: "Công trình của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng, ngay cả ở các tầng lớp thượng lưu trong xã hội, trẻ em cũng có nguy cơ bị còi xương do hậu quả của việc bú sữa mẹ kéo dài và không tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời... Hai giờ/tuần là thời gian tắm nắng cần thiết tối thiểu cho trẻ sơ sinh nếu người mẹ chỉ cho mặt bé tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhưng những người trong gia đình Medicis đã không đảm bảo được điều đó".

Trẻ đáng lẽ phải có đủ lượng vitamin D nhận từ mẹ lúc mới sinh, nhưng nhóm nghiên cứu nghi ngờ, các bà mẹ trong gia đình Medicis cũng bị thiếu vitamin D do bị giữ trong nhà quá nhiều hoặc trang điểm quá dày để tránh bị bắt nắng.

"Da màu ngà nhợt nhạt từng được coi là một biểu hiện của sức khỏe và sự tao nhã, phân biệt phụ nữ quý tộc với nông dân suốt ngày trên đồng ruộng. Làn da trắng đáng thèm khát đến mức phụ nữ thời xưa từng tránh tiếp xúc với ánh nắng và sử dụng phấn trắng để có được nó", trích báo cáo nghiên cứu trên tạp chí International Journal of Osteoarchaeology.

Phụ nữ trong gia đình Medici cũng nhiều khả năng bị thiếu hụt vitamin D do sinh nở liên tục.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất