Công bố hai loài thực vật vừa được phát hiện tại Vườn quốc gia Vũ Quang

Xú hương Vũ Quang (Lasianthus vuquangensis) và Xú hương Hà Tĩnh (Lasianthus hatinhensis) là hai loài thực vật mới được phát hiện tại Vườn quốc gia Vũ Quang.

Ngày 9/4, nguồn tin từ Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), các nhà nghiên cứu vừa phát hiện, công bố 2 loài thực vật mới cho khoa học là 2 loài cùng chi Xú hương (Lasianthus) thuộc họ thực vật Cà phê (Rubiaceae).

Hai loài thực vật này được đặt theo tên địa danh mà chúng được tìm thấy.


Xú hương Vũ Quang (Lasianthus vuquangensis). (Nguồn ảnh: Phytotaxa).

Việc phát hiện 2 loài thực vật mới này là kết quả của đợt phối hợp điều tra nghiên cứu khoa học giữa Vườn quốc gia Vũ Quang, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Đại học Kyushu (Nhật bản) được tiến hành vào giữa tháng 6/2016.

Loài Xú hương Vũ Quang được nhóm nghiên cứu phát hiện và thu thập mẫu tại độ cao từ 1.000 đến 1.240 m so với mực nước biển, có ký hiệu mẫu V3806. Còn loài Xú hương Hà Tĩnh được tìm thấy ở độ cao từ 1.600 đến 1.800 m so với mực nước biển, có ký hiệu mẫu V5875.


Xú hương Hà Tĩnh (Lasianthus hatinhensis). (Nguồn ảnh: Phytotaxa).

Tuy nhiên, phải đến năm 2023, cả hai loài mới được mô tả hoàn chỉnh và công bố bởi các tác giả của Viện Sinh học nhiệt đới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Trung tâm nghiên cứu sinh quyển nhiệt đới (thuộc Đại học Ryukyus, Nhật Bản) trong công trình đồ sộ “A revision of the genus Lasianthus Jack (Rubiaceae) from Vietnam” với tổng số 40 loài Xú hương mới cho khoa học được phát hiện tại Việt Nam.

Việc phát hiện và bổ sung thêm 2 loài mới cho khoa học tiếp tục khẳng định sự tiềm ẩn cũng như tính đa dạng sinh học rất cao tại Vườn quốc gia Vũ Quang.

Thời gian tới, Vườn quốc gia Vũ Quang sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học trong nước và thế giới về công tác nghiên cứu các loài động, thực vật mới tại khu vực này.


Nhóm nghiên cứu ngoài thực địa tại Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Vườn quốc gia Vũ Quang được thành lập năm 2002, nằm trên địa bàn huyện Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn (Hà Tĩnh), hiện quản lý, bảo vệ 57.029,84 ha rừng và đất lâm nghiệp.

Đây là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều nguồn gen rất giá trị. Trong đó, có nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, có tên trong danh mục sách đỏ IUCN và sách đỏ Việt Nam, cần được ưu tiên bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất