Công bố kết quả khai quật mộ táng 2000 năm

Các nhà khảo cổ tìm thấy tại khu tái định cư Vĩnh Yên, Khánh Hòa, những linga bằng thạch anh. Hiện vật này có thể chứng tỏ đời sống tin ngưỡng của cư dân Vĩnh Yên rất phát triển.

Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Khánh Hòa hôm qua công bố kết quả khai quật di chỉ Vĩnh Yên, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Di chỉ này nằm trong phạm vi xây dựng khu vực tái định cư của dự án vịnh Vân Phong.

Tháng 7/2009, Bảo tàng Khánh Hòa và Viện Khảo cổ học và các ban ngành thống nhất khai quật toàn bộ di chỉ (2.200 m2) nhằm giải phóng mặt bằng xây dựng cho khu tái định cư Vĩnh Yên. Đợt khai quật này đã thu được 6 chiếc mộ dạng nồi vò, 17 mộ huyệt đất, đa số mộ có kiểu táng dạng ngồi bó gối. Các hiện vật đồ sắt, đồ đá, đồ xương, đồ gốm khá đang dạng.

Trên 2.000 hiện vật đồ đá gồm: rìu, hòn nghiền - hòn ghè, bàn đập vỏ cây, mảnh khuôn đúc, khuyên tai 6 mấu, mảnh vòng, hạt chuỗi… Đặc biệt, các nhà khảo cổ đã tìm thấy linga bằng thạch anh. Các chuyên gia cho rằng, những linga này chứng tỏ đời sống tin ngưỡng của cư dân Vĩnh Yên rất phát triển.

Các nhà khoa học còn phát hiện nét khác biệt của cư dân ở đây là cư trú gần biển nhưng chủ yếu khai thác trên cạn; không tìm thấy các mẫu xương cá, đồ dùng đánh bắt… như các điểm khảo cứu văn hóa Sa huỳnh khác trong khu vực. Thông qua khối tư liệu mới, có thể nhận định Vĩnh Yên là một di chỉ cư trú - mộ táng, nằm trong khoảng niên đại cách đây 2.500 - 2.000 năm, có mối giao lưu văn hóa, kỹ thuật với văn hóa vùng hạ lưu sông Mê Kông, sông Đồng Nai.

Ông Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết: “Kết quả cuộc khai quật di chỉ Vĩnh Yên cho thấy còn nhiều điều để các nhà khảo cổ học nghiên cứu về một niên đại lịch sử. Vì thế trong thời gian tới Viện sẽ kết hợp với Bảo tàng Khánh Hòa tiếp tục chỉnh sửa, bảo quản phục vụ nghiên cứu và trưng bày phục vụ những ai muốn tìm hiểu”.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất