Công nghệ có thể giúp các tòa nhà chống chịu động đất
Các nhà toán học tại Đại học Manchester (Anh) cho biết “sóng đàn hồi” của những cơn động đất có thể được chuyển hướng đi vòng quanh một vật thể, giống như cách di chuyển của sóng ánh sáng trong các thí nghiệm gần đây.
Tiến sĩ William Parnell tin rằng việc áp dụng cao su điều áp vào cấu trúc xây dựng của các nhà máy năng lượng hạt nhân, cột điện cao thế và tòa nhà công vụ... có thể giúp bảo vệ những công trình này khỏi hư hại do động đất, đồng thời giảm số người chết vì thảm họa này trong tương lai.
Công nghệ có thể giúp các tòa nhà chống chịu động đất
Ông cho biết khoa học đã có bước tiến quan trọng cả trên lý thuyết và thực tiễn trong lĩnh vực tàng hình. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cornell (Mỹ) đã chứng minh một công nghệ có thể “giấu” những khoảng thời gian trong năm 2011 bằng cách chuyển tiếp ánh sáng. Hay các chuyên gia ở Đại học Texas đã làm tàng hình một vật thể trước ánh sáng của tia X. “Cách đây 5-6 năm, các nhà khoa học bắt tay vào nghiên cứu sóng ánh sáng và vài năm gần đây, chúng tôi bắt đầu xét đến những loại sóng khác, quan trọng nhất có lẽ là sóng âm và sóng đàn hồi. Chúng tôi đã chứng minh trên lý thuyết rằng việc gia cố khả năng chịu lực một vật liệu có sẵn trong tự nhiên, như cao su, có thể tạo ra hiệu ứng “tàng hình” từ một loại sóng đàn hồi đặc trưng” - Tiến sĩ Parnell cho biết.
Ông Parnell cho rằng nếu lý thuyết về công nghệ kiểm soát hướng đi và tốc độ các sóng đàn hồi có thể áp dụng cho các vật thể lớn hơn, nó có thể giúp tạo ra lớp vỏ bọc bảo vệ các tòa nhà và công trình hoặc các phần quan trọng của công trình khỏi những cơn địa chấn.