Công nghệ nào giúp người Bắc Cực giữ truyền thống?

Các nhà khoa học cố gắng tích hợp kinh nghiệm truyền thống vào công nghệ hiện đại, với mục tiêu nâng cao quyền tự quyết của cư dân bản địa.

Lược dịch từ bài viết của tác giả Katie Collin, trang Cnet.

Cộng đồng người Inuit Nunangat ở rìa phía bắc Canada thường truyền tai nhau một kinh nghiệm cổ xưa rằng nếu bạn dùng lao đâm vào tảng băng lần thứ nhất mà băng không vỡ thì có thể bước đi trên đó. Nếu bạn có thể đâm ba lần mà băng cũng không bị vỡ, xe trượt tuyết có thể chạy trên đó và nếu băng không vỡ sau 5 lần đâm, loại băng đó làm được mọi thứ.

Lời khuyên quý giá này đã giúp bao thế hệ thợ săn Inuit an toàn khi săn bắt trên các vùng biển đóng băng, tìm kiếm cá voi, hải cẩu, cá và chim. Thế nhưng khi biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu gia tăng, ngày càng khó để áp dụng những kiến thức truyền thống về băng biển, các kiểu thời tiết và các mùa trong năm.

Vì vậy, người Inuit đã sử dụng công nghệ như chiếc phao cứu sinh giúp duy trì các tập quán văn hóa và phương thức sinh sống tự cung tự cấp của họ. Một số ứng dụng phổ biến có thể kể đến là cảm biến hiển thị độ cứng của băng, vòng cổ GPS để theo dõi tuần lộc và các mạng xã hội riêng để chia sẻ kiến thức giữa các cộng đồng.


Di chuyển trên băng là yếu tố sống còn với cư dân sống tại Bắc Cực. (Ảnh: Cnet).

Rex Holwell sống ở vùng Nain thuộc tỉnh Newfoundland và Labrador, Canada, người thường theo cha mình đến những vùng biển băng để săn bắt thời thơ ấu, cho rằng: “Tôi có thể thấy rõ sự thay đổi của khí hậu và sức ảnh hưởng của nó đến chúng tôi như thế nào. Nước đóng băng chậm hơn mỗi năm và mưa vào tháng giêng khiến cư dân cảm thấy không chắc chắn với nhưng phương thức truyền thống".

Holwell hiện là trưởng bộ phận sản xuất và giám sát vận hành của tổ chức phi lợi nhuận SmartIce, có trụ sở tại thành phố St. John's, tỉnh Newfoundland. Được thành lập vào năm 2010, tổ chức mang sứ mệnh tạo ra các công cụ tích hợp giữa công nghệ hiện đại với kiến thức truyền thống của người Inuit, giúp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các công cụ và công nghệ của SmartIce rất quan trọng với cộng đồng người sống ở cực Bắc Canada. Vùng đất lạnh này đang ấm nhất trong 3 triệu năm qua và tác động đáng kể đến việc tìm kiếm thức ăn trên băng, công việc vốn duy trì sự sống còn của các tộc người tại đây.

Công nghệ giúp theo dõi đường di chuyển của cá voi

Druckenmiller, thuộc Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia, đã lập bản đồ đường di chuyển của những thợ săn cá voi dọc theo vùng băng biển ở Utqiaġvik, Alaska từ năm 2008. Ông sử dụng hình ảnh từ vệ tinh để vẽ bản đồ đồng thời kết hợp vào đó các phép đo độ dày của băng.

Theo Druckenmiller, dự án mang lại 2 lợi ích. Thứ nhất, dữ liệu thu thập về lớp băng gần bờ cung cấp thông tin cho các nghiên cứu dài hạn về biến đổi khí hậu và mục đích thứ hai là cung cấp cho cư dân của Utqiaġvik những tấm bản đồ mà họ có thể sử dụng trong mùa săn cá voi mùa xuân.


Các nhà khoa học của SmartIce đang lắp đặt thiết bị đo độ dày của băng. (Ảnh: Cnet).

Các bản đồ bao gồm một thiết bị GPS cầm tay và một cảm ứng điện từ dài 4 mét để đo độ dày của băng. "Thiết bị được mang theo mỗi chuyến đi săn trong một chiếc xe trượt bằng nhựa và gắn vào xe trượt tuyết của người thợ săn”, ông chia sẻ.

Druckemiller nhấn mạnh những công cụ này không thể thay thế cho kiến thức truyền thống của dân bản địa và người thợ săn hoàn toàn không phụ thuộc vào chúng.

"Tôi luôn ý thức rằng những gì tôi cài đặt cho thiết bị của mình dựa vào quyết định của người thợ săn. Qua nhiều năm nghiên cứu, tôi học được rằng các đội săn khác nhau có những chiến lược độc đáo của riêng họ, vì vậy, tôi rất hứng thú khi được xem các kỹ thuật khác nhau mà các thợ săn đang sử dụng- Druckenmiller, thuộc Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia".

Ngược lại, các tuyến đường mà thợ săn chọn giúp Druckenmiller hiểu được toàn cảnh về cách Trái Đất đang thay đổi. Dựa vào hình ảnh vệ tinh ghi lại những vùng băng mà người thợ săn chọn để cắm trại hay tạo một đường dốc để sau này kéo cá voi lên, kết hợp với dữ liệu nghiên cứu trong nhiều năm, nhà khoa học sẽ hiểu được biến đổi khí hậu đang diễn ra như thế nào.

SmartIce phát triển hai kiểu cảm biến đo băng: SmartBuoy tĩnh để đo độ dày của băng tại vị trí mà nó được triển khai và SmartKamotik, một radar xuyên đất được kéo phía sau xe trượt tuyết để đo độ dày của băng trên biển.


Công cụ SmartBouy được lắp đặt trên băng tuyết. (Ảnh: Cnet).

Ngoài ra, SmartICE cũng đang làm việc với một tổ chức công nghệ hướng tới cộng đồng khác mang tên SIKU, có trụ sở tại vùng Nunavut, Canada, để phân tích dữ liệu thu thập được từ cảm biến SmartBuoys.

Ra mắt vào cuối năm 2019, Siku vừa là một giao diện bản đồ vừa là mạng xã hội cung cấp cho các cộng đồng bản địa khắp Bắc Cực những công cụ và dịch vụ cần thiết để vượt băng một cách an toàn. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ phát triển thêm tính năng cảnh báo lớp băng mỏng bằng GPS.

Giờ đây, những người thợ săn có thể đăng ảnh chuyến đi săn, cảnh báo về lớp băng mỏng và bản đồ hành trình của họ lên ứng dụng di động của Siku trên cả nền tảng iOS và Android, để chia sẻ thông tin với cộng đồng địa phương và các nhà nghiên cứu khoa học.

Joel Heath, giám đốc điều hành điều hành Siku, cho biết điều quan trọng là ứng dụng được tạo ra từ sự tham vấn của các tổ chức thanh niên và những người lớn tuổi trong cộng đồng vì mục đích nâng cao quyền tự quyết của người bản xứ.


Nền tảng của Siku. (Ảnh: Cnet).

Vòng đeo cổ GPS cho tuần lộc

Thợ săn Inuit không phải là những người duy nhất bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Trải dài trên các vùng cực bắc của các nước Bắc Âu và Nga là nơi sinh sống của người Sami, những người được biết đến với nghề chăn nuôi tuần lộc.

Cũng như tộc người Inuit, người Sami và đàn tuần lộc cũng đang phải đấu tranh để sinh tồn khi môi trường sống của họ không còn được như trước. Những cơn lũ, mưa trái mùa và gió lạnh thổi ngược từ biển đã ngăn cản sự phát triển của cỏ, nguồn thức ăn chính của đàn tuần lộc.

Ngoài ra, nhiệt độ thay đổi còn làm tan chảy tuyết khiến chúng đóng thành nhiều lớp băng làm đàn tuần lộc khó hoặc thậm chí không thể đào qua tuyết để ăn cỏ bên dưới.

Bất chấp những thách thức trên, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng giữ cho đàn tuần lộc sinh tồn bằng cách ứng dụng công nghệ hiện đại. Họ đeo vòng cổ GPS cho tuần lộc và sử dụng máy bay không người lái để giám sát hoạt động của chúng.


Một đàn tuần lộc đang tìm kiếm thức ăn. (Ảnh: Cnet).

Hai công cụ này giúp người chăn nuôi biết rõ về nơi đàn gia súc đến, cách chúng di chuyển và khi nào chúng có thể gặp nguy hiểm.

Ngoài ra, Internet cũng rất quan trọng với người chăn nuôi tuần lộc, vốn thường xuyên hoạt động một mình ở những nơi hẻo lánh. Trước đây, chăn thả tuần lộc là một công việc cộng đồng, nhưng hiện tại, số người chịu làm công việc này giảm dần do những thách thức từ môi trường.

"Làm người chăn tuần lộc thực sự là công việc khó khăn và nguy hiểm. Họ làm việc một mình vào mùa đông khi nhiệt độ âm 30 độ C. Internet là thứ cứu cánh duy nhất nếu có chuyện gì đó xảy ra - Anne May Olli, giám đốc của RiddoduottarMuseat – chuỗi bảo tàng văn hóa Sami ở quận FinnMark, Na Uy".

Công nghệ tạo ra việc làm

Những dự án công nghệ không những cung cấp sinh kế cho cư dân bản địa mà còn cung cấp công việc và giáo dục cho thanh thiếu niên địa phương. Khi một cộng đồng sử dụng các cảm biến môi trường thông minh của SmartIce, cộng đồng đó sẽ sử dụng chính cư dân của mình, những người được đào tạo, để vận hành và duy trì hệ thống đó.

Holwell cho biết đối với anh đây mới chính là phần quan trọng nhất của công việc, anh kể về một cuộc họp với cộng đồng mà anh tham dự để giải thích cách thức hoạt động của SmartIc: "Vào cuối cuộc họp đó, một người cao tuổi nói cảm ơn chúng tôi vì chúng tôi đã cung cấp cho dân địa phương những kỹ năng và cả công việc để sinh tồn".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất