Công việc cô đơn nhất thế giới
Bạn băn khoăn không rõ công việc nào cô đơn nhất thế giới? Liệu người ta có thể thành công trong một công việc đơn độc như vậy?
Theo BBC, một trong những người đang có công việc cô đơn nhất thế giới chính là tiến sĩ Alexander Kumar, hiện đang làm việc tại trụ sở nghiên cứu Concordia ở trung tâm của Nam Cực, một nơi quá xa xôi và lạnh lẽo.
Các nhà khoa học sẽ bị cô lập trong suốt 9 tháng để tiến hành thí nghiệm khoa học này.
Trung tâm Concordia được phối hợp điều hành bởi Viện Cực của Pháp và Ý ở Nam Cực. Nó gồm ba tầng tháp và có hình dạng giống như tên lửa Saturn V. Tiến sĩ Kumar và đồng nghiệp của ông đang cố gắng tìm hiểu về hiệu ứng vật lý và tâm lý của con người trong không gian, đặc biệt là không gian bị cô lập.
BBC đã có cuộc phỏng vấn với tiến sĩ. Ông cho biết đang ở một nơi được gọi là trái tim của Nam Cực. Môi trường này cực kì lạnh lẽo và tăm tối. Nhiệt độ bên ngoài thường xuyên ở mức âm 80 độ C hoặc âm 99,9 độ C. Bên trong, còn tối hơn bên ngoài. Độ cao 3.800m trên mực nước biển khiến cho con người thường xuyên có cảm giác khó thở.
Tiến sĩ Alexander Kumar là bác sĩ của nhóm nghiên cứu gồm 13 người, đồng thời cũng là người tiến hành các nghiên cứu cho Cơ quan vũ trụ châu Âu, điều tra các hiệu ứng sinh lý và tâm lý của việc sống cô lập. Nghiên cứu của ông sẽ giúp hiểu được liệu chúng ta có thể đẩy con người tới những giới hạn nào. Thành quả của nghiên cứu sẽ được áp dụng để đưa con người lên sao Hỏa và dĩ nhiên là để con người có thể an toàn trở về.
Nhóm nghiên cứu ở đây đã hoàn toàn bị cô lập từ tháng 2 và tình trạng này sẽ tiếp tục tới tháng 11. Tiến sĩ Kumar cũng cho biết thêm, điều kiện môi trường tại Nam Cực này khá gần gũi với bề mặt của hành tinh khác. Mặc dù có sự khác biệt đáng kể về lực hấp dẫn và áp suất khí quyển giữa Nam Cực và sao Hỏa, nhưng nhiệt độ trung bình trên sao Hỏa cũng khoảng âm 55 độ C tương tự với nhiệt độ tại Concordia.