Cột ánh sáng hiếm gặp xuất hiện trên bầu trời Mỹ

Các cư dân ở một số bang như Minnesota chứng kiến hiện tượng cột ánh sáng trên bầu trời đêm lạnh giá vào tuần trước, gợi liên tưởng đến ánh sáng từ tàu ngoài hành tinh.


Cột ánh sáng ở bang Washington, Mỹ. (Ảnh: Twitter).

Dù hiếm gặp, cột ánh sáng thường hình thành vào ban đêm, khi ánh sáng từ mặt đất phản chiếu hàng triệu tinh thể băng lơ lửng trong khí quyển. Theo nhà khí tượng học David Samuhel ở trang AccuWeather, tinh thể băng đủ nhỏ để trôi nổi trong không khí và chỉ xuất hiện khi nhiệt độ dưới 0 độ C. Trong phần lớn trường hợp, nhiệt độ ở mức -10 đến -20 độ C hoặc lạnh hơn. Ví dụ, nhiệt độ ở bang Minnesota giảm xuống -6 độ C. Các nhân chứng cho biết cột ánh sáng sáng và cao hơn những năm trước. Đây có thể là kết quả của thời tiết lạnh cực hạn, Mail hôm 29/12 đưa tin.

Cột ánh sáng ra đời khi tia sáng được phản chiếu bởi tinh thể băng nằm theo phương ngang, lơ lửng hoặc chìm xuống độ cao thấp trong không khí. Tinh thể băng đóng vai trò như hàng loạt chiếc gương nhỏ xíu trên bầu trời, phản xạ ánh sáng trong quá trình rơi dần xuống đất. Hiện tượng này thực chất là một ảo ảnh quang học.

Cột ánh sáng chỉ xảy ra trong một số điều kiện đặc biệt. Nhiệt độ phải ở mức âm độ và không có gió trong không khí. Nếu không, tinh thể băng hình lục giác sẽ bị xáo trộn. Trong điều kiện lặng gió, tinh thể băng duy trì rơi xuống theo phương ngang. Sự tồn tại của tinh thể băng ở nhiều độ cao khác nhau khiến hình ảnh phản chiếu của nguồn sáng bị kéo dài thành hình cột.

Cột ánh sáng dễ gặp ở vùng khí hậu lạnh vào mùa thu và mùa đông, khi nhiệt độ đủ thấp để băng hình thành trong khí quyển. Theo Samuhel, hiện tượng xảy ra dưới áp suất cao và không có bão. Hệ thống bão sẽ làm gián đoạn quá trình hình thành cột ánh sáng. Dù có vẻ giống nhau, cột ánh sáng khác với cực quang ở chỗ chúng xuất hiện gần mặt đất, ở tầng thấp nhất của khí quyển trong khi cực quang được quan sát trên khu vực rộng hơn nhiều và nằm ở độ cao hàng kilomet.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất