Cư dân Peru thời cổ đại cũng có tập tục "ăn trầu"
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của lá côca đã nhai trộn lẫn với đá vôi đã nung tại di tích làng cổ của một cộng đồng thổ dân sinh sống bằng nghề săn bắn.
Phát hiện này được cho là khá bất ngờ, vì từ trước tới nay, các nhà khảo cổ và nhân chủng học cho rằng tập tục nhai lá côca chỉ xuất hiện từ khoảng 3.000 năm trước cùng với nền văn minh Inca.
Tới nay, tập tục nhai và làm thuốc từ lá côca vẫn rất phổ biến trong các dân tộc bản địa sống trên vùng núi Andes tại Peru và Bolivia. Lá côca là nguyên liệu gắn bó với cuộc sống thường nhật và thậm chí còn được coi là biểu tượng thiêng liêng của những cộng đồng dân cư này.
Theo các nhà khoa học, trong lá côca có chứa hợp chất hữu cơ mang tên alcaloide, có tác dụng làm giảm cảm giác đói, trợ giúp tiêu hóa và giảm những tác động lên thần kinh của môi trường trên cao hoặc loãng oxy.
Việc nhai lá côca cùng với vôi làm tăng đáng kể hoạt tính của chất alcaloide. Ngày nay, lá côca được dùng làm nguyên liệu để chế xuất đồ uống Coca Cola và côcain.