Cụ Rùa có thể là bảo vật quốc gia
Phó giáo sư Hà Đình Đức đề nghị thành phố Hà Nội xem xét trình chính phủ công nhận rùa Hồ Gươm là bảo vật quốc gia.
"Trong cuộc họp gặp mặt xuân Quý Tỵ 2013 của Hà Nội hôm qua, tôi đề nghị thành phố trình lên Thủ tướng ra quyết định công nhận cụ Rùa, tiêu bản cụ Rùa ở đền Ngọc Sơn và bộ xương rùa hồ Gươm ở Bảo tàng là Bảo vật Quốc gia", phó giáo sư Đức nói.
Phó giáo sư Hà Đình Đức xoa lưng rùa hồ Gươm trong
lần rùa nổi lên ngày 6/12/2012. (Ảnh: Phùng Văn Thanh)
Theo ông Đức, các Bảo vật quốc gia do Thủ tướng ký quyết định công nhận chủ yếu mang giá trị lịch sử như trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn. Vì vậy, ông Đức cho rằng, "cụ" Rùa đang sống cùng tiêu bản và bộ xương của rùa hồ Gươm không chỉ mang giá trị lịch sử, mà còn là di sản văn hóa, tâm linh của nhiều người Việt Nam.
"Đề xuất của tôi còn nhằm tăng cường bảo vệ cho cụ Rùa tốt hơn", ông Đức nói.
Theo ghi chép của phó giáo sư Đức, năm ngoái, "cụ" Rùa nổi 75 lần, chỉ tháng 5 và tháng 9 là không nổi.
Rùa hồ Gươm luôn thu hút sự chú ý của nhiều người Việt Nam. Bên cạnh giá trị tâm lý, lịch sử, theo các nhà khoa học, loài rùa hồ Gươm chỉ còn 4 cá thể, gồm một con sống ở hồ Hoàn Kiếm, một ở Đồng Mô và hai con còn lại ở Trung Quốc.
Năm 2011, Hà Nội đã đưa rùa lên khám bệnh và chữa trị trong hơn ba tháng. Rùa được thả về tự nhiên cùng rất nhiều thức ăn dự trữ là cá. Giới chức Hà Nội và các nhà khoa học khám định kỳ cho cụ Rùa.
Trong thời gian trước khi "vời" rùa lên và chữa bệnh, nhiều tranh luận về phương thức duy trì loại vật hiếm này được đặt ra nhưng đến nay chưa có phương án nào được công bố.