Cúm cực độc nhảy loài, mèo chết hàng loạt: WHO đánh giá nguy cơ ở người

Theo văn bản Báo Người Lao Động nhận được từ WHO chiều 17-7 (giờ Việt Nam), vụ bùng phát chưa từng thấy của cúm A/H5N1 ở loài mèo đã được Ba Lan thông báo cho WHO từ ngày 27-6.

Tính đến ngày 11-7, tổng cộng 46 con mèo và một con linh cẩu nuôi nhốt đã được lấy mẫu xét nghiệm. 29 mẫu dương tính với cúm A/H5N1, thường được gọi là cúm gia cầm độc lực cao.


Đây là lần đầu tiên cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1 được phát hiện hàng loạt ở mèo, trên một phạm vi rộng lớn là một quốc gia. Trước đây loại cúm này rất hiếm khi lây sang động vật có vú - (Ảnh minh họa từ Internet).

Tổng cộng 25/29 con mèo nhiễm bệnh đã chết. Nguồn lây nhiễm của mèo với virus hiện chưa được xác định và các cuộc điều tra về dịch tễ học đang được tiến hành.

Đây là một vụ bùng phát hết sức bất thường. Cúm A/H5N1 trước đây thường thấy ở gia cầm và chim hoang dã. Từ đầu năm nay WHO đã cảnh báo về việc loại cúm này "nhảy loài" bất thường, lây cho một số động vật có vú chưa từng được ghi nhận nhiễm loại cúm độc này.

Đối với mèo, những năm trước đây đã có báo cáo về vài trường hợp lẻ tẻ, nhưng đây là báo cáo đầu tiên về số lượng lớn mèo bị nhiễm bệnh trên một khu vực địa lý rộng lớn là một quốc gia.

Kể từ ngày 12-7, không có người nào tiếp xúc với mèo mắc cúm A/H5N1 báo cáo các triệu chứng và thời gian giám sát đối với tất cả những người tiếp xúc hiện đã hoàn tất.

WHO đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở người sau khi tiếp xúc với mèo bị nhiễm bệnh ở cấp quốc gia được đánh giá là thấp đối với dân số nói chung.

Cơ quan này cũng cảnh báo nguy cơ ở mức thấp đến trung bình đối với chủ sở hữu mèo và những người tiếp xúc nghề nghiệp với mèo bị nhiễm H5N1 (như bác sĩ thú y) mà không sử dụng các biện pháp phòng vệ cá nhân phù hợp.

WHO tiếp tục theo dõi tình hình và hợp tác chặt chẽ với các ngành thú y và sức khỏe cộng đồng, các cơ quan khu vực, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) và các cơ quan đối tác khác ở Ba Lan.

Chủng virus cúm A/H5N1 gây bệnh cho các con mèo nói trên là nhánh 2.3.4.5b đã lưu hành ở Ba Lan trong các đợt bùng phát đối với chim hoang dã trước đây.

Nguồn lây nhiễm cúm A/H5N1 gây bệnh cho mèo hiện vẫn chưa được xác định. WHO đặt ra các giả thuyết bao gồm việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với chim/gia cầm nhiễm bệnh.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh trong một cuộc họp báo hồi tháng 2-2023 rằng cần theo dõi chặt chẽ sự lây lan của cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1 trong bối cảnh nó dường như đang xâm chiếm bất thường nhiều loại vật chủ mới.

Từ đầu năm đến nay cũng đã có Campuchia và Anh báo cáo cúm A/H5N1 ở người, cả hai chùm ca (mỗi chùm ca 2 người) đều là do bị lây từ động vật, chưa phát hiện lây từ người sang người. Trong đó một bệnh nhân ở Campuchia đã tử vong dù được điều trị tích cực.

Cúm A/H5N1 là loại cúm cực độc, là mầm bệnh nguy hiểm mà tất cả quốc gia thành viên được yêu cầu báo cáo với WHO cho dù chỉ phát hiện 1 ca. Tại Việt Nam, cúm A/H5N1 được coi là bệnh truyền nhiễm nhóm A (nguy hiểm nhất).

Đây cũng là một trong những mầm bệnh đáng lo ngại nhất đang đe dọa ngành chăn nuôi khắp thế giới, đang có xu hướng lan rộng từ cuối năm 2022.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất