Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
Tháng Tám vừa qua, Boeing công bố những con số khiến các nhà đầu tư lo lắng. Dự án Starliner phát triển tàu du hành không gian có người lái đã lỗ tổng cộng 1,6 tỷ USD.
Trong báo cáo thu nhập quý, Boeing lại ghi nhận khoản lỗ, lên tới 125 triệu USD từ dự án Starliner. Báo cáo viện dẫn lý do về sự chậm trễ trong Thử nghiệm Bay có Phi hành đoàn (Crew Flight Test) vẫn đang diễn ra, đây là nhiệm vụ đầu tiên của chương trình nhằm đưa phi hành gia vào quỹ đạo.
Những khoản lỗ này chủ yếu tới từ tiến độ chậm trễ và nỗ lực giải quyết vấn đề phát sinh với Starliner. Khi NASA trao cho Boeing hợp đồng trị giá 4,2 tỷ USD để hoàn thành việc phát triển tàu vũ trụ Starliner một thập kỷ trước, nhà thầu hàng không vũ trụ này dự đoán rằng khoang tàu sẽ sẵn sàng để đưa các phi hành gia bay vào cuối năm 2017.
Cuối cùng, Thử nghiệm Bay Phi hành đoàn đã không được phóng cho đến ngày 5/6/2024.
Một tàu vũ trụ Starliner rời khỏi xưởng của Boeing trước chuyến bay thử nghiệm quỹ đạo đầu tiên vào năm 2019 - (Ảnh: Boeing).
Khi NASA lựa chọn Boeing và SpaceX để lần lượt thực hiện hai dự án Starliner và Crew Dragon, đều nhằm mục đích đưa con người trở lại không gian ngoài Trái đất, các bên thống nhất với một thỏa thuận "giá cả cố định". Các điều khoản cho hay khi Boeing và SpaceX "đội" chi phí sản xuất, họ sẽ phải tự chi trả thay vì xin viện trợ từ chính phủ.
Việc Boeing trì hoãn dự án Starliner khiến khoản lỗ của họ cộng dồn qua các kỳ và đạt tới con số 1,6 tỷ USD. Hồi tháng 8, Boeing cảnh báo các nhà đầu tư về việc lỗ ngày một lớn khi chương trình Starliner kéo dài thêm.
Trong khi đó, nhà thầu còn lại đón nhận nhiều tin vui: chương trình Crew Dragon của SpaceX đã đưa phi hành gia quay lại quỹ đạo từ năm 2020.
Elon Musk tạo dáng trước tàu Crew Dragon - (Ảnh: Twitter).
Về phần công ty của Elon Musk, tất cả các hợp đồng của NASA với SpaceX có tổng trị giá hơn 3,1 tỷ USD, nhưng các chi phí mà SpaceX phải chi trả dựa trên thỏa thuận với NASA vẫn chưa được tiết lộ bởi lẽ SpaceX là một doanh nghiệp tư nhân.
Người quan sát sẽ lập tức làm phép so sánh giữa Boeing và SpaceX. Công ty của Elon Musk đã hoàn thành tất cả sáu chuyến bay phi hành đoàn ban đầu cho NASA, trong khi Boeing còn ít nhất một năm nữa mới có thể bắt đầu sử dụng Starliner. Do những sự chậm trễ của Boeing, NASA đã gia hạn hợp đồng phi hành đoàn thương mại với SpaceX để bao gồm thêm 8 chuyến bay khứ hồi đến trạm vũ trụ cho đến cuối thập kỷ này.
Lãnh đạo Boeing đổ một phần lỗi cho bản chất của hợp đồng giá cả cố định. Tuy nhiên, Boeing cũng cùng lúc ký những thỏa thuận tương tự với Lầu Năm Góc để sản xuất máy bay Không Lực Một dùng trong chuyên chở tổng thống, máy bay không người lái, máy bay huấn luyện và nhiều dự án khác nữa. Theo lời từ giới thạo tin, Boeing cũng đã không thể kiếm lời từ những hợp đồng này.
Trong khi đó, SpaceX thành công lớn với hợp đồng giá cả cố định. NASA cũng áp dụng thành công mô hình này với Blue Origin, công ty hàng không vũ trụ của Jeff Bezos.
Hiện Boeing đang đối mặt với thách thức khắc phục các vấn đề rò rỉ helium và quá nhiệt động cơ đẩy trên tàu Starliner trong các sứ mệnh tương lai.
Starliner thất bại trong việc đón hai phi hành gia từ Trạm Vũ trụ Quốc tế trở về Trái đất, nguyên nhân do động cơ đẩy hỏng và rò rỉ helium - (Ảnh: NASA).
NASA hy vọng một chuyến bay thử nghiệm thành công của Starliner sẽ cho phép cơ quan này bay thường xuyên tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào cuối năm nay, mở đường cho Boeing thực hiện chuyến bay vận hành đầu tiên của Starliner, được gọi là Starliner-1, vào tháng 2/2025.
Cuối tháng 7 vừa qua, NASA thông báo trì hoãn sứ mệnh Starliner-1 thêm sáu tháng để có thêm thời gian giải quyết các vấn đề mà tàu vũ trụ gặp phải trong chuyến bay thử nghiệm có phi hành đoàn.
- Cá sấu Cassius lớn nhất thế giới vừa qua đời ở Australia
- Tại sao tàu hỏa đi một mình một đường mà vẫn thường xuyên phải bấm còi?
- Ngày càng có nhiều con sói lớn ở Hoh Xil dần biến thành "chó Husky"