Cuộc đua xây trạm vũ trụ khi ISS ngừng hoạt động

Theo tờ Vox, ISS là thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại, nhưng sau hai thập niên trên quỹ đạo, ISS sẽ đóng cửa và một số trạm vũ trụ mới sẽ thay thế nó. 

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang thu hẹp hiện diện trong quỹ đạo Trái đất tầm thấp khi Chính phủ Mỹ tập trung vào việc đưa con người trở lại Mặt trăng và cuối cùng là lên Sao Hỏa. Là một phần của quá trình đó, NASA muốn thuê cơ sở vật chất cho các phi hành gia trên các trạm vũ trụ mới do các công ty tư nhân điều hành.


Nhà du hành làm việc bên ngoài ISS. (Ảnh: NASA).

Khi các trạm này sẵn sàng, NASA sẽ đưa ISS vào bầu khí quyển, nơi nó sẽ bốc cháy và tan rã. Tại thời điểm đó, ai muốn làm việc trong không gian sẽ phải lựa chọn trong số các trạm vũ trụ khác nhau. Điều đó có nghĩa là các quốc gia sẽ không chỉ sử dụng các trạm mới này để tăng cường các chương trình không gian quốc gia mà còn là các dự án kinh doanh sinh lợi.

Các lựa chọn trạm vũ trụ trong tương lai

NASA đã cấp hơn 400 triệu USD để tài trợ cho các dự án thay thế ISS của tư nhân. Các công ty tư nhân được NASA hậu thuẫn, như Lockheed Martin và Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos, có thể phóng tới 4 trạm vũ trụ vào quỹ đạo của Trái đất trong thập kỷ tới.


Hình ảnh thiết kế trạm vũ trụ Orbital Reef. (Ảnh: Orbital Reef)

Khoản tiền nhiều nhất là 130 triệu USD dành cho Orbital Reef, một dự án trạm vũ trụ do Blue Origin thiết kế. Blue Origin cho biết Orbital Reef sẽ chỉ nhỏ hơn ISS một chút nhưng sẽ tốn ít chi phí xây dựng hơn.

Ngoài dự án Blue Origin, NASA đã hỗ trợ StarLab, một trạm vũ trụ mới do công ty không gian thương mại Nanoracks hợp tác với Voyager Space và Lockheed Martin. Ngoài ra, còn có một đề xuất trạm vụ trụ từ Northrop Grumman.

Theo kế hoạch, cả StarLab và trạm vũ trụ Northrop Grumman đều có thể chứa tối đa bốn phi hành gia cùng một lúc và bao gồm cả không gian phòng thí nghiệm.

Ngoài ra, NASA đã cấp hơn 140 triệu USD cho Axiom Space, công ty đang xây dựng mô-đun cho du lịch vũ trụ. Khi ISS ngừng hoạt động, mô-đun Axiom ban đầu sẽ được gắn với các mô-đun Axiom khác để tạo thành một trạm hoàn toàn mới.

NASA cũng đang xây dựng một trạm vũ trụ có tên là Gateway gần Mặt trăng. Tên lửa Falcon Heavy của SpaceX mang theo các khoang để các nhà du hành sinh sống cho trạm Gateway dự kiến được phóng vào năm 2024.


Trạm Gateway đang được xây dựng. (Ảnh: Getty Images).

Về phần mình, Nga và Ấn Độ đang có kế hoạch phóng các trạm vũ trụ riêng lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.

Trạm Thiên Cung của Trung Quốc đang được xây dựng và đã có các phi hành gia sống trên đó.

Trong khi đó, các đối tác ISS lâu năm khác đã lên kế hoạch cho các bước tiếp theo sau khi ISS ngừng hoạt động.

Nga có thể rời ISS sớm nhất vào năm 2025. Cùng năm đó, cơ quan vũ trụ của Nga là Roscosmos có kế hoạch phóng trạm vũ trụ mới trị giá 5 tỷ USD.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu đang đào tạo các phi hành gia cho các sứ mệnh tới trạm Thiên Cung.

Hợp tác quốc tế trong vũ trụ sẽ phức tạp hơn

Các trạm vũ trụ mới này đang được xây dựng dựa trên công nghệ của ISS, nhưng có khả năng khu vực quỹ đạo Trái đất tầm thấp sẽ trở thành một nơi cạnh tranh chính trị.

Các nhà khoa học nếu muốn nghiên cứu trong không gian sẽ có khả năng phải tính đến hậu quả chính trị khi chọn trạm vũ trụ của quốc gia này thay vì chọn trạm của quốc gia khác. Ngoài ra, cũng sẽ có một cuộc đua mới của một số trạm vũ trụ cạnh tranh giành khách hàng trong khu vực tư nhân.


Minh họa hình ảnh bên trong trạm vũ trụ thương mại Axiom theo thiết kế. (Ảnh: Axiom Space)

Cuộc đua trạm vũ trụ mới không hoàn toàn có nghĩa thế giới trở lại Chiến tranh Lạnh, nhưng nó cũng không phải là đỉnh cao của chủ nghĩa quốc tế.

Theo các kịch bản tốt nhất, các trạm mới sẽ học hỏi lẫn nhau và mở rộng kiến thức khoa học. Nhưng các trạm vũ trụ cũng sẽ khiến chính trị toàn cầu chiếm ảnh hưởng lớn hơn nhiều trong không gian.

Từ năm 2011, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật hạn chế nghiêm ngặt NASA hợp tác với Chính phủ Trung Quốc, theo đó cấm các phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc lên ISS.

Roscosmos của Nga đã nhiều lần đe dọa sẽ rời trạm vũ trụ ISS để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành vũ trụ trong nước.

Các mảnh vỡ không gian được tạo ra trong các cuộc thử nghiệm chống vệ tinh do Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ phóng tiếp tục gây căng thẳng địa chính trị trong không gian.

Tuy nhiên, những căng thẳng đó có thể trở nên phức tạp hơn nữa khi thế hệ trạm vũ trụ tiếp theo ra mắt. Điều này sẽ cho phép các quốc gia hoạt động trong vũ trụ hình thành các mối quan hệ hợp tác quốc tế ngoài ISS.

Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc có kế hoạch đón các nhà khoa học nước khác làm thí nghiệm tại đây và sẵn sàng hợp tác với Mỹ.

Các trạm vũ trụ mới của Nga và Ấn Độ cũng có khả năng tiếp đón các quốc gia và công ty đối tác.

Trong khi đó, bốn trạm vũ trụ thương mại do NASA tài trợ sẽ chỉ hoạt động tuân theo các quy tắc của Mỹ và chỉ giới hạn hợp tác với những quốc gia được phép.

Ông Namrata Goswami, một học giả độc lập về chính sách không gian giải thích: “Bất cứ điều gì liên quan đến vũ trụ không chỉ là vấn đề uy tín và sức mạnh trong vũ trụ, mà còn là về lợi ích kinh tế và phát triển kinh tế. Ngành vũ trụ ngày nay có quy mô khoảng 400 tỷ USD. Trạm vũ trụ đóng vai trò phát triển các công nghệ này”.

Những bước phát triển này sẽ tạo ra cơ hội mới cho các quốc gia không có trạm vũ trụ - như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Nigeria và Australia.

Việc các nước này chọn trạm vũ trụ nào sẽ không chỉ phụ thuộc vào chi phí mà còn phụ thuộc vào các tính toán chính trị.

Có thể nói dấu chấm hết của ISS lại mở ra một kỷ nguyên mới của các trạm vũ trụ, một kỷ nguyên mà hợp tác sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều về mặt chính trị và kinh tế.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất