Đã có hơn 500.000 người đặt vé xem "Tấm vải liệm thành Turin"

Hơn 600.000 người đã nhận được vé miễn phí để tận mắt xem "Tấm vải liệm thành Turin" khi nó được đem ra trưng bày ở nhà thờ Duomo của Turin vào tháng Tư tới nhân dịp lễ Phục sinh.

>>> Tấm vải liệm Turin dùng liệm xác Chúa Kito là thực?

Tấm vải có kích thước 4,4x1,1m này được nhiều người Công giáo tin rằng chính là tấm vải đã được dùng để liệm Chúa Jesus sau khi thi thể ngài được gỡ xuống từ cây thập giá.

"Tấm vải liệm thành Turin" có in hình của một người đàn ông đội một vương miện bằng cây có gai, mặt có râu ria, với cơ thể có những vết thương trông giống như là vừa bị đóng đinh câu rút.

Đối với không ít người, đấy chính là hình ảnh của Chúa Jesus khi chết. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng, đây là một tấm vải giả mạo.

Việc tấm vải chỉ được đem ra trưng bày cho công chúng xem 5 lần trong hơn một thế kỷ qua càng làm cho đồ vật này trở nên bí hiểm. Nhu cầu xem tấm vải lớn đến mức, kể từ năm 2000 cho đến trước lần này, người ta đã trưng bày ba lần vào các năm 2000, 2010, 2013 và thu hút hàng triệu người đăng ký để xem tận mắt.

Đã có hơn 500.000 người đặt vé xem Tấm vải liệm thành Turin
Gương mặt được cho là của Chúa trên "Tấm vải liệm thành Turin". (Ảnh: telegraph.co.uk)

Những tranh cãi xung quanh nguồn gốc của tấm vải đã xảy ra trong nhiều thập kỷ qua với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và học giả.

Cuộc nghiên cứu chi tiết đầu tiên diễn ra vào năm 1988, khi các nhà nghiên cứu của các trường đại học Tucson, Zurich và Oxford lấy mẫu vải và sử dụng phương pháp đồng vị phóng xạ để xem tuổi của tấm vải. Họ cùng thống nhất với nhau trong một kết luận là tấm vải này được tạo ra trong khoảng từ năm 1260 đến 1390.

Điều này trùng khớp với chi tiết là tấm vải được nhắc đến lần đầu trong các thư tịch cổ vào năm 1355, khi nó được lưu trữ ở một nhà nguyện tại Troyes, Pháp. Tuy nhiên, cha Henry de Poitiers, giám mục Troyes lúc đó, đã tuyên bố rằng, đây không phải là tấm vải đã liệm Chúa Jesus.

Kể từ năm 1988, Tòa thánh Vatican không cho phép các nhà khoa học xem xét tấm vải này thêm một lần nữa, cho đến năm 2013, khi một nhóm các nhà khoa học thuộc các trường đại học Padova, Modena, Bologna và Frascati của Italy, sau một quá trình nghiên cứu kỹ tấm vải bằng nhiều phương pháp khác nhau, đã khẳng định "Tấm vải liệm thành Turin" là thật.

Năm 2014, các nhà khoa học của trường Đại học Bách khoa Turin đã đưa ra một giả thiết nữa về hình ảnh trên tấm vải liệm. Giáo sư Alberto Carpinteri, người đứng đầu nhóm khoa học này, cho rằng các neutron đuợc giải phóng trong một trận động đất ở Jerusalem vào năm 33 sau Công nguyên có thể đã tạo ra hình trên tấm vải liệm và ảnh hưởng đến tuổi của tấm vải, làm sai lệch kết quả xét nghiệm bằng đồng vị phóng xạ.

Từ xưa đến nay, Tòa thánh luôn coi "Tấm vải liệm thành Turin" là một báu vật của Công giáo. Các Giáo hoàng John Paul II và Benedict XVI gọi tấm vải này là một "biểu tượng". Giáo hoàng Francis I sẽ đến thăm tấm vải liệm trong một chuyến đi mà ngài gọi là "hành hương đến tấm vải liệm thần thánh".

Trong lần mở cửa cho công chúng vào xem tấm vải liệm lần này, người ta cũng trưng bày bức tranh "Khóc than bên thi hài Chúa" do danh họa thời Phục hưng Fra Angelico vẽ vào năm 1436.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất