Đại dịch tiếp theo có thể bắt nguồn từ các khối băng tan chảy
Theo một nghiên cứu, đại dịch tiếp theo có thể sẽ không đến từ dơi hay chuột mà từ các virus có trong lượng băng tan.
Nghiên cứu mới cho biết có nhiều loại virus tồn tại trong băng. (Ảnh: Reuters).
Phân tích di truyền từ đất và trầm tích ở hồ Hazen - hồ nước ngọt lớn nhất ở Bắc Cực - cho thấy nguy cơ lây lan của virus mới có thể cao hơn ở những nơi gần với các sông băng tan chảy, theo Guardian.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B. Theo đó, các nhà khoa học cho rằng khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên do biến đổi khí hậu, nhiều khả năng virus và vi khuẩn trong sông băng và băng vĩnh cửu có thể tái sinh và lây nhiễm cho động vật hoang dã địa phương.
Vào năm 2016, một đợt bùng phát bệnh than ở miền Bắc Siberia (Nga) đã làm một trẻ em thiệt mạng và lây nhiễm bệnh cho ít nhất 7 người khác.
Nguyên nhân của đợt bùng phát được cho là do một đợt nắng nóng làm tan chảy lớp băng vĩnh cửu và người bệnh đã tiếp xúc với xác một con tuần lộc bị nhiễm bệnh. Trước đó, đợt bùng phát bệnh than cuối cùng trong khu vực là vào năm 1941.
Nhóm nghiên cứu chưa xác định được có bao nhiêu loại virus chưa được biết đến trong các sông băng, cũng như chưa đánh giá được liệu những virus này có khả năng gây bệnh hay không.
Một sông băng đang bị tan chảy ở phía tây nam Greenland. (Ảnh: PA).
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác gần đây đã chứng minh rằng có nhiều loại virus chưa biết đang tồn tại trong các lớp băng.
Năm 2021, các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Ohio (Mỹ) cho biết họ đã tìm thấy vật chất di truyền từ 33 loại virus - có 28 loài mới - trong các mẫu băng lấy từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc. Dựa trên vị trí của chúng, các virus này được ước tính khoảng 15.000 năm tuổi.
Năm 2014, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp ở Aix-Marseille đã tìm cách hồi sinh một loại virus khổng lồ mà họ phân lập được từ lớp băng vĩnh cửu ở Siberia. Lần phân lập đó khiến nó lây nhiễm trở lại lần đầu tiên sau 30.000 năm.
Trả lời BBC, Jean-Michel Claverie, tác giả nghiên cứu, vào thời điểm đó cho rằng việc để những lớp băng như vậy tan chảy có thể là "công thức dẫn đến thảm họa".
Tháng 9 năm nay đã chứng kiến lượng băng tan kỷ lục ở Bắc Cực khi nhiệt độ đã ảnh hưởng đến gần 592.000km vuông băng ở đây, Financial Times đưa tin.
Theo các nhà khoa học, đây là lượng băng tan chảy lớn nhất xảy ra vào tháng 9 ở Bắc Cực trong gần 4 thập kỷ qua.
- Các mảng kiến tạo trên Trái đất thay đổi như thế nào trong 1 tỷ năm?
- Lợi ích bất ngờ từ việc ăn bỏng ngô bằng... đũa
- Những đứa trẻ ở gần biển có sức khỏe tinh thần tốt hơn