Đại dương rộng lớn đến mức nào?

Khi đi biển, có bao giờ bạn nhìn xa xăm ra đại dương và tự hỏi: "Đại dương rộng lớn đến mức nào?".

Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu rằng chỉ tồn tại duy nhất một đại dương, bao gồm 5 vùng được gọi là Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương và Nam Băng Dương. Tuy được phân chia thành các vùng khác nhau tại những khu vực khác nhau nhưng bản chất chúng là một thể thống nhất, một khối nước khổng lồ, thứ tạo nên bề mặt hành tinh này.


Đại dương bao phủ 71% (khoảng 360 triệu km2) bề mặt hành tinh của chúng ta, một vùng siêu rộng với diện tích gấp 36 lần nước Mỹ. Và khi quan sát Trái Đất từ không gian, điều đầu tiên ta nhìn thấy chính là đại dương.


Đại dương chứa hơn 1,3 tỉ km3 nước, chiếm đến 97% tổng lượng nước trên toàn Trái Đất. Giả sử, nếu đổ hết lượng nước đó chỉ trong khuôn viên nước Mỹ thì ta sẽ thấy một cột nước khổng lồ cao hơn 132km, cao hơn cả những đám mây cao nhất trên tầng khí quyển.


Một sự thật kinh ngạc khác là thế giới mà chúng ta biết, bao gồm toàn bộ không gian sống của các lục địa chỉ chiếm vỏn vẹn 1% sinh quyển. Và đại dương sở hữu phần còn lại, một vùng khổng lồ chứa đựng hơn 99% sự sống của Trái Đất. Tầm quan trọng của đại dương với sự sống là không gì so sánh được.

Có 4 kỷ lục chỉ trên đất liền mà ta lại lầm tưởng là nhất thế giới:


Dãy núi lớn nhất thế giới
: Đại dương chứa đựng dãy núi lớn nhất thế giới còn được gọi là “Mid-Ocean Ridge”. Với chiều dài gần 65.000 km, dãy núi này dài gấp 10 lần dãy Andes - dãy núi tự nhiên dài nhất trên đất liền.


Thác nước lớn nhất thế giới:
Bên dưới eo biển Đan Mạch tồn tại thác nước lớn nhất thế giới với lưu lượng nước mỗi giây gấp 116 lần thác Inga Falls của sông Congo - thác nước lớn nhất trên đất liền.


Ngọn núi cao nhất thế giới
: Không phải Everest đâu, mà là chính là núi Mauna Kea ở Hawaii với 4200m nằm trên mực nước biển và phần còn lại khoảng 5800m nằm dưới biển, tổng độ cao tuyệt đối của ngọn núi này gần 10.000m vượt hơn 1000m so với đỉnh núi Everest.


Vực sâu nhất thế giới:
Danh hiệu này thuộc về vực Challenger, với độ sâu 11 km bên dưới bề mặt đại dương, sâu gấp 6 lần Hẻm Vực Lớn và dư sức nhấn chìm đỉnh Everest. Nói cách khác, vực Challenger có độ cao tuyệt đối xấp xỉ bằng với tầm bay của máy bay thương mại.


Vậy nên dù bạn có phân tích theo cách nào đi nữa, đại dương vẫn luôn rất LỚN! Đại dương định hình hành tinh của chúng ta, là “ngôi nhà” rộng lớn nhất, chứa đựng sự sống nhiều nhất và đa dạng nhất trên Trái Đất. Sự thật là chúng ta mới chỉ biết được một phần rất nhỏ về đại dương.


Nhưng đại dương tuy lớn nhưng không phải quá bí ẩn, chúng ta vẫn luôn gắn liền với nó. Trên thực tế, gần 50% dân số thế giới sống gần biển, hầu hết phần còn lại sống gần ao, hồ, sông và cuối cùng đều dẫn ra biển. Thế là hầu như mỗi người trên hành tinh này đều có thể tác động đến “sức khỏe” của đại dương. Bằng chứng là 80% những thứ ô nhiễm ảnh hưởng đến biển và đại dương đều xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.


Đại dương định hình hành tinh của chúng ta nhưng trong một nghĩa khác, chúng ta định hình đại dương. Bảo vệ đại dương là bảo vệ Trái Đất, cũng chính là bảo về ngôi nhà của chúng ta!

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất