Dải mây phát sáng lơ lửng trên bầu trời Mỹ

Chuyên gia cho rằng một thiên thạch nhỏ lao xuống với tốc độ cao đã gây ra hiện tượng mây dạ quang.

Người dân địa phương tỏ ra kinh ngạc khi phát hiện một vệt sáng dài, uốn lượn phía trên khu vực hồ Tahoe, thung lũng Sacramento và vịnh San Francisco thuộc bang California, Mỹ, tối hôm 19/12, CNN đưa tin. Dù chưa chắc chắn hoàn toàn, nhiều dấu hiệu cho thấy hiện tượng này do thiên thạch gây ra, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ.


Nhiều dấu hiệu cho thấy hiện tượng này do thiên thạch gây ra.

Thiên thạch có thể tạo ra một loại mây tầm cao gọi là mây dạ quang. Mây dạ quang cũng từng xuất hiện ở Monterey, California, năm 2011. Khi đó, đám mây này hình thành do vụ phóng vệ tinh Suomi NPP từ căn cứ không quân Vandenberg.

Vật thể hôm 19/12 được bắt gặp ở phía tây và di chuyển từ đông sang tây, theo theo tiến sĩ Edwin C. Krupp, giám đốc Đài quan sát Griffith. Đây có khả năng là một thiên thạch di chuyển nhanh đến mức trở nên rất nóng và ép không khí lại, tạo ra vệt sáng dài. Ông cũng nhận định thiên thạch này không lớn, có thể nắm trong lòng bàn tay.

Trước đó, một số ý kiến cho rằng vệt sáng trên trời liên quan đến vụ phóng tên lửa Delta IV-Heavy nhằm đưa vệ tinh NROL-71 lên quỹ đạo từ căn cứ không quân Vandenberg. Tuy nhiên, hãng United Launch Alliance thông báo vụ phóng đã bị hoãn do tên lửa đẩy có dấu hiệu trục trặc. Đây là lần thứ 4 hãng này lùi lịch phóng. Sự kiện dự kiến được dời đến ngày 30/12.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất