Đài thiên văn vô dụng vì ô nhiễm ánh sáng
Người dân và các nhà khoa học không thể sử dụng đài thiên văn cổ nhất của Trung Quốc vào ban đêm do tình trạng ô nhiễm ánh sáng ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Đài thiên văn Tử Kim Sơn tọa lạc trên núi Tử Kim Sơn ở ngoại ô thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, là đài thiên văn có tuổi đời lớn nhất tại nước này.
Hôm 26/3, các nhà khoa học của đài thiên văn Tử Kim Sơn thông báo rằng, từ lâu họ đã không thể quan sát các ngôi sao bằng kính thiên văn của đài vào buổi tối do ảnh hưởng của ánh sáng đô thị từ mặt đất. Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng có thể là một nguyên nhân khiến ánh sáng từ các ngôi sao không thể tới kính thiên văn của đài vào ban đêm, Tân Hoa Xã đưa tin.
Đài thiên văn Tử Kim Sơn trên núi Tử Kim Sơn,
huyện Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
"Tình trạng ô nhiễm môi trường khiến các nhà khoa học không thể sử dụng đài thiên văn Tử Kim Sơn để quan sát các ngôi sao từ thập niên 80. Người quan sát không thể thấy dải Ngân Hà hay sao Hôm, chứ chưa nói gì tới nghiên cứu vũ trụ", Zhang Yang, một nhân viên làm việc tại đài, phát biểu.
Zhang nói thêm rằng những đài quan sát vũ trụ ở các vùng đô thị khác - như đài thiên văn Thượng Hải hay đài thiên văn quốc gia, đều đối mặt với tình trạng tương tự.
Giới chức đã bắt đầu tìm kiếm những địa điểm mới để di dời đài thiên văn Tử Kim Sơn từ năm 1999. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại họ sẽ vẫn không thể quan sát vũ trụ ngay cả khi đài thiên văn được chuyển tới vị trí mới.
"Vào năm 2006, chúng tôi bắt đầu quan sát từ một địa điểm ở thành phố Hu Dị, tỉnh Giang Tô. Nhưng chỉ sau 5 năm, tình trạng ô nhiễm đã tác động xấu tới hoạt động quan sát của chúng tôi", Wang Sichao, một nhà nghiên cứu của đài thiên văn Tử Kim Sơn, kể.
Wang nói rằng tình trạng đô thị hóa quá nhanh của thành phố Hu Dị khiến bầu trời trở nên sáng rực vào ban đêm - một yếu tố bất lợi đối với hoạt động quan sát vũ trụ.
"Có lẽ chúng tôi sẽ phải rời khỏi địa điểm tại Hu Dị trong vòng chưa tới 20 năm nữa. Một địa điểm lý tưởng phải là nơi mà chúng tôi có thể quan sát bầu trời trong 50 năm", Wang nói.