Đàn cá mập lụa áp sát cá mập voi để cọ lưng

Những con cá mập lụa sử dụng lớp da dày và ráp của cá mập voi để loại bỏ ký sinh trùng và da chết.

Các nhà khoa học thuộc nhóm dự án Nghiên cứu Cá mập voi Galapagos (GWSP) sử dụng máy quay trên vây cá mập voi để ghi lại cảnh tượng thú vị giữa những con cá mập ở vùng biển thuộc quần đảo Galapagos, Thái Bình Dương, Earth Touch News hôm 21/2 đưa tin. Trong video, những con cá mập lụa nhỏ hơn đang thay phiên nhau cọ xát vào mình cá mập voi.

"Quần đảo Galapagos là địa điểm đặc biệt để nghiên cứu cá mập voi. Không giống những nơi khác, ở đây chúng tôi bắt gặp nhiều cá mập cái đặc biệt lớn, có vẻ đang mang thai. Việc nghiên cứu chúng rất quan trọng cho công cuộc bảo tồn loài vật đang gặp nguy hiểm này. Công việc của chúng tôi đang tiến triển", đại diện nhóm GWSP cho biết.

Lý giải phù hợp nhất cho hành vi của cá mập lụa là chúng đang sử dụng cá mập voi như một miếng xơ mướp. Da cá mập được bao phủ bởi hàng nghìn miếng vảy giống răng gọi là răng bì và chúng rất ráp khi cọ xát ngược chiều. Việc cọ xát như vậy có thể giúp cá mập lụa loại bỏ ký sinh trùng và da chết.

Nhiếp ảnh gia Thomas P. Peschak cũng từng bắt gặp hành vi này của cá mập ở vùng biển thuộc quần đảo Galapagos. Ở những nơi khác trên thế giới, có một số loài cá cũng tận dụng da cá mập để loại bỏ da chết.


Hành vi của cá mập lụa là chúng đang sử dụng cá mập voi như một miếng xơ mướp.

"Dường như lũ cá mập voi không hề bận tâm", nhóm GWSP nhận xét. Nguyên nhân có thể là chúng sở hữu bộ da dày đến 10cm, một trong những bộ da chắc khỏe nhất thế giới động vật.

Cá mập voi là loài cá mập lớn nhất đại dương, có thể dài đến hơn 10 mét. Dù có kích thước to lớn nhưng cá mập voi vẫn có một số kẻ thù tự nhiên như cá voi sát thủ và cá mập trắng. Do đó, chúng cần một bộ da chắc khỏe để bảo vệ cơ thể.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất