Đàn kiến triệu con ăn thịt đồng loại để sống sót trong boongke

Khả năng sinh tồn của đàn kiến sống sót nhiều năm trong boongke kín gây bất ngờ cho các nhà nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Wojciech Czechowski ở Bảo tàng và Viện Động vật học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, phát hiện những con kiến gỗ (Formica polyctena) sống trong một boongke bỏ hoang vào năm 2013 khi đang khảo sát loài dơi. Những con kiến không có lối ra thế giới bên ngoài và dường như đến từ chiếc tổ nằm phía trên đường ống thông khí. Khi kiến rơi xuống theo đường ống, chúng bị bao vây trong boongke.


Đàn kiến bị cô lập trong boongke bỏ hoang. (Ảnh: Newsweek).

Tuy nhiên, khi trở lại khu vực sau hai năm, nhóm nghiên cứu nhận thấy đàn kiến không chỉ vẫn ở đó mà còn lớn hơn dù không có nguồn thức ăn, nhiệt và ánh sáng. Họ ước tính số lượng kiến sống ở boongke lên tới một triệu con.

Kiến thường xây tổ ở những nơi khác thường. Trước đây, các nhà nghiên cứu từng tìm thấy tổ kiến ở khung gầm xe hơi và bên trong hộp gỗ ở hốc tối. Nhưng ở mọi trường hợp khác, đàn kiến đều có thể ra vào tổ, còn đàn kiến mắc kẹt trong boongke không có lựa chọn. Chúng sinh tồn và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xã hội trong các điều kiện do môi trường cực hạn đặt ra.

Năm 2016, Czechowski và cộng sự bắt đầu phân tích hành vi của kiến gỗ. Họ lắp một lối đi lát ván dẫn tới đường ống thông khí khác để những con kiến có thể thoát khỏi boongke. Một năm sau, họ trở lại khu vực và phát hiện đàn kiến gần như biến mất hoàn toàn. Kiểm tra xác kiến còn sót lại, nhóm nghiên cứu tìm thấy nhiều vết cắn chủ yếu ở vùng bụng. Đây là bằng chứng cho thấy kiến gỗ ăn xác đồng loại để sinh tồn. Sau khi được cung cấp lối thoát, đàn kiến tìm đường quay trở lại chiếc tổ ban đầu và boongke bị bỏ hoang.

"Sự sinh tồn và phát triển của đàn kiến trong boongke qua nhiều năm mà không kèm theo sinh sản, có thể là kết quả do nguồn cung cấp liên tục kiến thợ mới từ chiếc tổ bên trên và quá trình tích lũy xác đồng loại. Xác kiến đóng vai trò như một nguồn thức ăn, cho phép những con kiến mắc kẹt sống sót trong điều kiện vô cùng bất lợi", nhóm nghiên cứu kết luận trong báo cáo đăng trên tạp chí Hymenoptera Research.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất