Dàn tàu chiến mặt nước không đối thủ của Hải quân Mỹ

Hạm đội chiến đấu mặt nước của Hải quân Mỹ đang vận hành 16 loại tàu, gồm 11 siêu tàu sân bay, 60 tàu khu trục, 22 tuần dương hạm và nhiều tàu chiến khác.


Siêu tàu sân bay lớp Ford là chiến hạm mới nhất của Hải quân Mỹ. Hàng không mẫu hạm này được áp dụng một loạt công nghệ tiên tiến lần đầu dùng cho tàu sân bay, gồm máy phóng điện từ, radar băng tần kép và nhiều hệ thống khác. Một tàu đang được vận hành thử nghiệm cùng 2 tàu khác đang xây dựng.


Với 10 tàu đang hoạt động, siêu tàu sân bay lớp Nimitz trở thành biểu tượng sức mạnh toàn cầu của Hải quân Mỹ. Mỗi tàu có thể mang theo 90 máy bay, cho phép triển khai sức mạnh ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.


Tàu khu trục lớp Zumwalt được ví như là "tàu khu trục tương lai". Con tàu mang thiết kế hoàn toàn mới theo công nghệ "sóng xuyên thân" độc đáo. Zumwalt được chế tạo với khả năng tàng hình rất cao, cùng hệ thống vũ khí cực mạnh. Tuy nhiên, chi phí chế tạo quá cao nên số lượng sản xuất từ 32 giảm xuống chỉ còn 3 tàu, khiến nó trở thành tàu khu trục đắt nhất hành tinh.


Tàu đổ bộ tấn công lớp America hoạt động như một tàu sân bay hạng trung. Tàu có thể mang theo máy bay chiến đấu AV-8B, tiêm kích tàng hình F-35B, máy bay MV-22 và các trực thăng. 11 tàu lớp America đã được lên kế hoạch chế tạo, gồm một tàu đang hoạt động, một đang chờ thử nghiệm và một tàu đang đóng mới.


Tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp, trụ cột sức mạnh tấn công đổ bộ của Thủy quân lục chiến Mỹ. Lớp tàu này có thể mang theo máy bay chiến đấu AV-8B, tiêm kích tàng hình F-35B và các loại trực thăng. Bên trong tàu còn chở theo xe tăng, xe thiết giáp và tàu đổ bộ khí đệm để triển khai chúng vào bờ.


Tàu khu trục lớp Arleigh Burke, nòng cốt sức mạnh chiến đấu của Hải quân Mỹ với 60 tàu đang hoạt động. Arleigh Burke là lớp tàu chiến đa nhiệm, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Chúng là thành phần quan trọng trong đợt không kích Syria vừa qua bằng tên lửa Tomahawk.


Tuần dương hạm lớp Ticonderoga là loại tàu chiến đa năng, một sản phẩm được chế tạo từ thời Chiến tranh Lạnh. Với 22 tàu đang hoạt động, chúng là thành phần quan trọng thứ 2 sau tàu khu trục lớp Arleigh Burke trong việc triển khai sức mạnh và hộ tống tàu sân bay. Tuần dương hạm USS Monterey đã bắn 30 tên lửa Tomahawk vào Syria đêm 13/4.


Tàu chiến ven biển (LCS) lớp Freedom là loại tàu chiến được thiết kế cho các nhiệm vụ chiến đấu ven bờ, nhằm đối phó với các tàu chiến nhỏ, xuồng tên lửa tốc độ cao, săn lùng tàu ngầm và phá thủy lôi ở những vùng nước nông.


Tàu chiến ven biển (LCS) lớp Independent có concept tương tự lớp Freedom nhưng được thiết kế theo kiểu trimaran. Chương trình LCS bị chỉ trích dữ dội vì hỏa lực kém, nhiều lỗi kỹ thuật.


Tàu đổ bộ có sàn đáp cho trực thăng lớp San Antonio. Nó được chế tạo cho nhiệm vụ vận chuyển binh lính, phương tiện chiến tranh và các thiết bị khác cho hoạt động đổ bộ. 11 tàu đang hoạt động trong Hải quân Mỹ và 2 tàu khác đang đóng mới.


Tàu đổ bộ lớp Whidbey Island được chế tạo cho nhiệm vụ vận chuyển binh lính và phương tiện đổ bộ vào bờ. Tàu có thể mang theo 4 tàu đổ bộ khí đệm để chở vũ khí lên bờ cùng 500 binh sĩ.


Tàu đổ bộ lớp Harpers Ferry, phiên bản sửa đổi của lớp Whidbey Island dùng cho nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, đạn dược, phụ tùng và thiết bị y tế. Tàu có thể mang theo 2 tàu đổ bộ khí đệm để đưa hàng hóa vào bờ.


Tàu tuần tra lớp Cyclone được chế tạo cho nhiệm vụ tuần tra và ngăn chặn ven bờ. Loại tàu chiến này chủ yếu hoạt động tại Vịnh Ba Tư để đối phó với Hải quân Iran.


Tàu quét mìn lớp Avenger được chế tạo cho nhiệm vụ dò tìm, phát hiện và xử lý thủy lôi trên các tuyến đường biển quan trọng của Hải quân Mỹ.


Tàu chỉ huy lớp Blue Ridge được chế tạo cho nhiệm vụ cung cấp mệnh lệnh chỉ huy, kiểm soát hoạt động chiến đấu, truyền thông và thông tin tình báo. Đây là lớp tàu chiến được sử dụng lâu nhất của Hải quân Mỹ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất