Danh xưng các triều đại của Trung Hoa ra đời như thế nào?
Trải qua 5000 năm lịch sử, các triều đại của Trung Hoa nối tiếp nhau ra đời và bị diệt vong. Mỗi một triều đại ra đời đều có một danh xưng riêng biệt. Cổ ngữ nói: “Danh không chính ngôn không thuận” cho nên việc xác lập tên luôn được tiến hành ngay khi triều đại được thiết lập, và được coi là danh chính.
Vậy danh xưng của mỗi triều đại là do yếu tố nào quyết định? Chủ yếu bắt nguồn từ 5 nguyên nhân:
- Thứ nhất nó bắt nguồn từ danh xưng của bộ tộc, liên minh bộ lạc.
- Thứ hai là bắt nguồn từ tên địa danh.
- Thứ ba là phong hiệu hoặc tước vị của người sáng lập.
- Thứ tư là đặc sản của địa phương.
- Thứ năm là từ tên gọi khu vực ban đầu hoặc nơi đang thống trị, quan hệ tông tộc hay hàm nghĩa của từ đó trong sách cổ như ngụ ý cát tường…
1. Nhà Hạ: Theo truyền thuyết, vua Vũ từng được thụ phong ở Hạ Bá, vì thế ông gọi chính quyền của mình là “Hạ”. Có một truyền thuyết khác đó là theo nhà sử học Phạm Văn Lan, sau khi con của vua Vũ là Khải dời về Đại Hạ (khu vực Phần Quái, phía nam Sơn Tây), mới xưng là “Hạ”.
2. Nhà Thương: Tương truyền, thuỷ tổ nhà Thương là ông Khế từng có công giúp vua Vũ trị thuỷ nên được thụ phong ở đất Thương nên về sau lấy “Thương” để gọi bộ lạc của mình. Vua Thang sau khi diệt nhà Hạ đã lấy “Thương” làm quốc danh. Về sau, Bàn Canh dời đến đất Ân nên cũng gọi là “Ân” hoặc “Ân Thương”.
3. Nhà Chu: Bộ lạc Chu đến thời Cổ Công Đản Phủ dời đến vùng đất Chu. Vũ Vương sau khi diệt nhà Ân đã lấy “Chu” làm tên hiệu của triều đại. Thời kỳ đầu nhà Chu dựng đô ở Hạo. Đến thời Bình Vương thì dời đô về phía đông là Lạc Ấp, vì ở phía đông của Hạo nên nhà Chu có tên hiệu là “Tây Chu” và “Đông Chu”.
Khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất 6 nước thì bắt đầu xây dựng nước Tần. (Ảnh qua Pinterest).
4. Nhà Tần: Theo ghi chép trong cuốn “Sử Ký” thì Tần vốn là một bộ lạc thời cổ. Thủ lĩnh Phi Tử vì có công nuôi ngựa cho Chu Hiếu Vương, nên được Chu Hiếu Vương ban cho họ “Doanh”, đồng thời tặng cho một vùng đất. Sau này, ông lại có công cứu nhà Chu nên được phong làm chư hầu. Khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất 6 nước thì bắt đầu xây dựng nước Tần.
5. Nhà Hán: Hạng Vũ phong Lưu Bang làm Hán Vương, sau khi Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, thống nhất Trung Quốc, đã đặt quốc hiệu là “Hán”. Thời kỳ đầu, nhà Hán đóng đô ở Trường An, về sau đóng đô ở Lạc Dương, cho nên nếu xét về đô thành mà nói sẽ có “Tây Hán” và “Đông Hán”, nếu xét về thời gian thì có “Tiền Hán” và “Hậu Hán”.
6. Nhà Ngụy: Hán Hiến Đế từng phong Tào Tháo là Nguỵ Công, Nguỵ Vương. Sau khi Tào Phi thay nhà Hán đã xưng là “Nguỵ”. Vì hoàng thất họ Tào nên trong lịch sử cũng gọi là “Tào Nguỵ”.
7. Nhà Thục: Lưu Bị lấy Tứ Xuyên làm khu vực hoạt động, Thục là chỉ Tứ Xuyên, nên chính quyền này được gọi là “Thục”. Trong lịch sử cũng gọi là “Thục Hán”. “Hán” ở đây là chỉ kế tục nhà Đông Hán.
Thục là chỉ Tứ Xuyên, nên chính quyền này được gọi là “Thục”. (Hình minh họa: Qua kknews.cc)
8. Nhà Ngô: Tôn Quyền hoạt động ở khu vực hạ du Trường giang, trong lịch sử nơi đây từng có nước Ngô, Tào Nguỵ từng phong cho Tôn Quyền là “Ngô Vương”, cho nên sử gọi là “Tôn Ngô”, cũng nhân vì ở phía đông nên cũng được gọi là “Đông Ngô”.
9. Nhà Tấn: Tư Mã Chiêu ép Nguỵ đế phong cho mình là “Tấn Công”. Sau khi diệt nhà Thục lại phong là “Tấn Vương”. Về sau, con là Tư Mã Viêm kế thừa tước vị, ép Nguỵ đế thoái vị, tự lập làm hoàng đế đặt tên nước là “Tấn”.
10. Nhà Tùy: Cha của Tuỳ Văn Đế Dương Kiên là Dương Trung từng được nhà Bắc Chu phong là “Tuỳ Quốc Công”. Tuỳ Văn Đế kế tục trước đó nên gọi là “Tuỳ triều”. Ông cho rằng, chữ này có nghĩa là đi theo, hàm ý không tốt nên đã đổi thành “Tùy”.
11. Nhà Đường: Ông nội của Đường Cao Tổ Lý Uyên là Lý Hổ, vì có công giúp nhà Chu nên được phong là Đường Quốc Công, tước vị truyền đến Lý Uyên. Sau khi khởi binh ở Thái Nguyên, Lý Uyên xưng là “Đường Vương”, sau khi phế Dương Hựu thì lập ra triều Đường.
Sau khi khởi binh ở Thái Nguyên, Lý Uyên xưng là “Đường Vương”, lập ra nhà Đường. (Hình ảnh: Qua Bldaily.com).
12. Nhà Liêu: Liêu vốn xưng là Khiết Đan, sau đổi thành “Liêu” là bởi cư trú ở thượng du sông Liêu.
13. Nhà Tống: Sau khi Cung Đế nhà hậu Chu kế vị đã sai Triệu Khuông Dẫn làm Tiết độ sứ ở Quy Đức. Quân Quy Đức đóng tại Tống Châu Triệu Khuông Dẫn làm Tiết độ sứ Tống Châu. Sau vụ binh biến Trần Kiều, do phát tích tại Tống Châu nên đặt quốc hiệu là “Tống”.
14. Nhà Tây Hạ: Thác Bạt Tư Cung chiếm cứ Hạ Châu, nên khi lập quốc lấy Hạ Châu làm tên, xưng là “Đại Hạ”. Bởi vì ở phía Tây nên người Tống gọi là “Tây Hạ”.
15. Nhà Kim: Đô thành nhà Kim là Hội Ninh, bên sông Án Xuất Hổ. Tương truyền rằng sông này sản sinh ra vàng (kim), chữ “kim” đọc theo tiếng Nữ Chân là “Án Xuất Hổ”.
16. Nhà Nguyên: Theo ghi chép trong “Nguyên sử ” thì tên gọi “Nguyên” là do Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt đặt. Ông lấy từ chữ “Nguyên” ở câu “Đại tai càn nguyên” kinh Dịch, có ý nghĩa là lớn, là đầu tiên. Nhưng cũng có người cho rằng sự ra đời tên này có liên quan đến phong tục và totem (vật được coi là biểu tượng của dân tộc) của người Mông Cổ, cũng có người cho rằng nó có liên quan đến Phật giáo.
Sau khi giành được chính quyền, Chu Nguyên Chương đặt quốc hiệu là “Minh”. (Ảnh qua Pinterest)
17. Nhà Minh: Chu Nguyên Chương là một trong những quân khởi nghĩa cuối đời nhà Nguyên, là kế thừa Quách Tử Hưng mà phát triển lên. Quách Tử Hưng thuộc tổ chức Bạch liên giáo, Bạch liên giáo tuyên bố: “Hắc ám tức tương quá khứ, quang minh tương yếu đáo lai", ý nói, tối tăm sắp qua, sáng tươi sắp đến để cổ vũ nhân dân chống lại sự thống trị của triều Nguyên, cho nên còn được xưng là “Quang minh giáo”.
Thủ lĩnh của Bạch liên giáo là Hàn Sơn Đồng xưng là “Minh vương”. Chu Nguyên Chương không chỉ từng sùng tín Bạch liên giáo mà còn thừa nhận mình là một trong những quân khởi nghĩa của Bạch liên giáo. Vì vậy, sau khi giành được chính quyền, Chu Nguyên Chương đặt quốc hiệu là “Minh”.
18. Nhà Thanh: Mãn tộc là một chi của tộc Nữ Chân. Thời Bắc Tống, tộc Nữ Chân xây dựng ra nước Kim. Cuối đời nhà Minh, thế lực của tộc Nữ Chân hùng mạnh trở lại, xây dựng lại nước Kim (Hậu Kim). Vì muốn mở rộng ra bên ngoài, cắt đứt quan hệ bề tôi với triều Minh, Thanh Thái Tổ Hoàng Thái Cực đã đem “Nữ Chân” đổi thành “Mãn Châu”, đem “Kim” đổi thành “Thanh” .
Vào thời Tống, người Nữ Chân bị quản chế bởi người Khiết Đan, mà chữ “Liêu” trong tiếng Khiết Đan có nghĩa là “Thiết” (sắt) cho nên đặt tên nước là “Kim” (vàng) nhằm biểu thị ý nghĩa “kim” cứng hơn “thiết”, có thể áp chế được “Liêu”. Còn nguyên nhân đổi từ “Kim” sang “Thanh”, các nhà sử học có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng Hoàng Thái Cực vì muốn tránh gây ra mâu thuẫn kịch liệt nên đã đổi như vậy.