Đào được ADN sinh vật ma 1 triệu tuổi ở Nam Cực
Ở nơi tưởng chừng không gì sống sót nổi - đáy biển Scotia với phần lớn diện tích thuộc về Nam Đại Dương băng giá - những mảnh ADN ma quái thuộc về sinh vật Nam Cực bí ẩn đã lộ diện.
Đó là tiết lộ gây sốc từ nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, thực hiện bởi tiến sĩ Linda Armberecht và các cộng sự từ Viện nghiên cứu Biển và Nam Cực (IMAS), Trung tâm Sinh thái và đa dạng sinh học thuộc Trường Đại học Tasmania, Trung tâm DNA cổ đại Úc, Khoa Khoa học kỹ thuật và công nghệ Đại học Adelaide - Úc.
Một tảng băng khổng lồ lang thang giữa biển Scotia.
Trong hành trình tìm kiếm ADN seda, một loại ADN trong trầm tích cổ đại, các nhà khoa học đã tìm thấy những mảnh lập kỷ lục về độ tuổi - 1 triệu năm, chôn vùi dưới đáy biển Scotia.
Biển Scotia là một trong những vùng biển khắc nghiệt nhất thế giới, ngay bên bờ lục địa Nam Cực, với phần lớn diện tích thuộc về Nam Băng Dương, một phần nhỏ nằm trên địa phận Đại Tây Dương.
Theo Science Alert, ADN seda đã từng được tìm thấy trong nhiều môi trường khác, dễ sống hơn, ví dụ trong các hang động trên cạn và bên dưới lớp băng vĩnh cửu của Bắc Cực, với các kỷ lục trước đó là 400.000 và 650.000 năm.
Nhiệt độ lạnh, lượng oxy thấp và thiếu bức xạ cực tím khiến các môi trường biển vùng cực Scotia trở nên vô cùng kỳ quặc để sự sống tồn tại, nhưng cũng là điều kiện tuyệt vời để bảo quản tàn tích của sự sống cổ đại nếu nó từng tồn tại được.
Nhóm nghiên cứu cho biết ADN 1 triệu tuổi vừa được công bố lấy từ mẫu trầm tích từ đáy biển, được đưa về trong chuyến thám hiểm năm 2019 và trải qua một quá trình kiểm soát ô nhiễm toàn diện để bảo đảm rằng chúng đúng là ADN của một sinh vật cổ, chứ không phải dấu vết sinh học bị "nhiễu" trong quá trình đào bới và đưa về.
Cuộc thám hiểm đó cũng đem về tàn tích của tảo cát, một loại sinh vật đơn bào 540.000 tuổi.
Việc chiết xuất ra ADN cổ đại mới chỉ là bước sơ khởi của nghiên cứu, cho dù họ đã mất nhiều năm để làm điều đó. Vẫn chưa thể xác định "sinh vật ma" - chủ nhân của các đoạn ADN đó - là gì và tồn tại ở Nam Cực cổ đại theo cách nào. Nhưng đó sẽ là câu trả lời họ theo đuổi.
Phát hiện về ADN cổ đại không chỉ cung cấp cái nhìn vào quá khứ, cách hệ sinh thái đại dương tồn tại và phản ứng với các mô hình khí hậu, mà còn giúp chúng ta dự đoán được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Nam Cực là một trong những vùng dễ bị tổn thương nhất của Trái đất trước tình trạng biến đổi khí hậu và ngược lại sự thay đổi của nó cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới tương lai địa cầu.
- Thái Bình Dương "sắp" biến mất, siêu lục địa mới ra đời
- Át bích - "Lá bài tử thần" và bí mật gây sốc trong bộ bài Tây
- Tại sao không thể so sánh độ khó xây dựng của các kim tự tháp với Vạn Lý Trường Thành?