Đập nước 2000 năm tuổi - kỳ quan kỹ thuật của Ấn Độ cổ đại
Đập Kallanai đóng vai trò quan trọng trong quản lý nguồn nước bền vững phục vụ sản xuất nông nghiệp suốt 2.000 năm qua.
Đập Kallanai ở bang Tamil Nadu ngày nay. (Ảnh: Elamaran Elaaa).
Đập Kallanai, hay còn gọi là Grand Anicut, là một kỳ quan kỹ thuật ở miền nam Ấn Độ. Nằm dọc sông Kaveri River ở bang Tamil Nadu, công trình này là minh chứng bền bỉ cho bàn tay khéo léo của các kỹ sư cổ đại, có niên đại hai thiên niên kỷ, theo Ancient Origins.
Là công trình do vua Karikalan của vương triều Chola khởi xướng vào khoảng thế kỷ 2, đập Kallanai được xây dựng để chế ngự nguồn nước dồi dào của sông Kaveri nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tên gọi Kallanai bắt nguồn từ "alam and anai" trong tiếng Tamil, có nghĩa là "đá" và "đập". Không sử dụng vật liệu xây dựng hiện đại như vữa, công trình biểu tượng này thể hiện khả năng ứng dụng kỹ thuật phức tạp của người Chola.
Mục đích chính của con đập là chuyển hướng dòng nước sông Kaveri vào vùng châu thổ màu mỡ, thúc đẩy mạng lưới tưới tiêu trải rộng biến đổi đất đai khô cằn thành xanh tốt. Quá trình lên kế hoạch và xây dựng đập nước tỉ mỉ của người Chola đóng vai trò thiết yếu giúp tăng cường năng suất nông nghiệp, qua đó góp phần quan trọng vào nền kinh tế hưng thịnh trong vùng.
Đập Kallanai trải dài khoảng 329m và rộng 20m. Con đập bao gồm 3 đoạn riêng biệt tên Kudamuruti, Periyar và Viranam, mỗi đoạn được thiết kế để phục vụ một chức năng riêng trong điều phối dòng nước. Đáng chú ý là sự vắng mặt của vữa trong xây dựng, công trình chỉ dựa vào độ chính xác của những khối đá đặt xen kẽ để chống chịu lực tác động của dòng sông.
Trải qua sự tàn phá của thời gian, đập Kallanai không chỉ là công trình bền vững mà còn tiến hóa qua nhiều thế kỷ bảo trì và tân trang của những triều đại tiếp theo. Ngày nay, nó tiếp tục là một bộ phận thiết yếu của nền nông nghiệp trong vùng, đảm bảo nguồn cung cấp nước đều đặn để gieo trồng hoa màu. Đây là một trong những con đập lâu đời nhất thế giới vẫn được sử dụng tích cực và thường xuyên.
- Trang trại thẳng đứng lớn nhất thế giới ở UAE
- Lò phản ứng hạt nhân siêu nhỏ cho căn cứ trên Mặt trăng
- Trung Quốc đưa vào sử dụng phòng thí nghiệm khoa học ngầm lớn nhất thế giới