Đập Tam Hiệp "oằn mình" hứng đợt lũ thứ ba
Mực nước hồ chứa đập Tam Hiệp tăng nhanh khi các nhánh thượng lưu sông Trường Giang hứng chịu đợt lũ thứ ba trong năm.
Đợt lũ thứ ba trong năm ở sông Trường Giang được ghi nhận vào chiều nay, do mực nước dâng cao tại các dòng chảy chính của sông dọc theo thượng nguồn, khiến lượng nước đổ vào hồ chứa của đập Tam Hiệp ngày càng tăng.
Tới 14h chiều qua, hồ chứa ghi nhận lưu lượng dòng chảy tới 50.000m3/s, dự kiến đạt 60.000m3/s vào tối nay. Người dân sống dọc bờ sông Trường Giang đã được khuyến cáo sơ tán và tránh xa khu vực bờ sông.
Đập Tam Hiệp tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, xả lũ hôm 15/7. (Ảnh: Reuters).
Mưa lớn từ tối 25/7 đã tàn phá khắp huyện Kiến Thủy thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Toàn huyện ngập trong nước lũ khi lượng mưa đạt gần 180 mm, buộc chính quyền địa phương sáng nay nâng phản ứng khẩn cấp với lũ từ mức thứ hai lên mức cao nhất trong thang 4 cấp. Chính quyền huyện Kiến Thủy cho biết lượng mưa tại các nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất có thể lên tới hơn 560 mm.
Trường Giang đón trận lũ thứ hai trên sông này hôm 19/7, khiến nước lũ đổ vào hồ chứa của đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới, với lưu lượng đạt đỉnh 61.000 m3/giây trong ngày 18/7 và giảm xuống còn 46.000m3/giây vào 20h ngày 19/7.
Trong thời gian trên, mực nước trong hồ chứa đạt 164,18 mét, mức cao kỷ lục kể từ khi đập được xây dựng. Mực nước cao nhất từng được ghi nhận trước đó tại hồ chứa là 163,11 mét.
Vị trí đập Tam Hiệp. (Đồ họa: Cơ quan Khí tượng Quốc gia Trung Quốc).
Đập Tam Hiệp chứng kiến trận lũ đầu tiên trong năm trên sông Trường Giang hôm 2/7. Trận lũ đến với tốc độ dòng chảy 50.000m3/giây và đạt mức đỉnh 53.000m3/ giây. Hồi giữa tháng, đập Tam Hiệp mở ba cửa xả lũ khi mực nước trong hồ chứa phía sau con đập khổng lồ dâng cao trên 15 mét so với mực nước lũ.
Trung Quốc hàng năm đều hứng chịu lũ lụt, đặc biệt tại khu vực miền trung và miền nam, song các trận lũ năm nay lớn hơn bình thường và gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Lũ khiến 27 trong 31 địa phương cấp tỉnh và gần 38 triệu người chịu ảnh hưởng, hơn 2,2 triệu người phải sơ tán và hơn 140 người chết hoặc mất tích.
Giới chức Trung Quốc đã chi gần 86 triệu USD để khắc phục thiệt hại cho tỉnh Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam và thành phố Trùng Khánh, song thiệt hại có thể lên đến 12 tỷ USD. Mức nước tại 433 sông ở Trung Quốc đạt mức nguy hiểm kể từ tháng 6, trong đó 33 sông đạt mức nước kỷ lục.
Trường Giang hay sông Dương Tử là con sông dài nhất châu Á và đứng thứ ba trên thế giới sau sông Nile ở châu Phi và sông Amazon ở Nam Mỹ. Trường Giang dài khoảng 6.385 km, bắt nguồn từ phía tây Trung Quốc và chảy về phía đông, đổ ra biển Hoa Đông.
- Video mô phỏng vỡ đập Tam Hiệp, bức tường nước cao 100m càn quét đến tận Vũ Hán
- Nước lũ ở đập Tam Hiệp vượt cảnh báo 12m, ông Tập triệu tập họp khẩn
- Có gì bên trong con đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới?