Dập tắt ham muốn để giữ bạn tình

Khi được giao phối với một con cái hấp dẫn thuộc loài ruồi đục trái cây, con đực thường bí mật phóng loại protein vào cơ thể đối tác, khiến ruồi cái không còn muốn giao phối với những anh chàng khác. 


Ruồi đục trái cây thuộc họ Tephritidae, bộ hai cánh (Diptera). Tuy là ruồi nhưng ngoại hình của chúng giống ong nhiều hơn. Cơ thể con trưởng thành có màu nâu nhạt. Con cái dùng ống đẻ trứng chọc thủng vỏ trái cây rồi đẻ trứng vào bên trong. Mỗi ổ có 5-10 quả trứng. Một ruồi cái có thể đẻ từ 150-200 trứng. Đây là một trong những loài có hại đối với mùa màng.

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà động vật học của Đại học Oxford (Anh) phát hiện ruồi đực truyền một loại protein sang cơ thể ruồi cái khi giao phối. Hiện tượng đó xảy ra khi con cái bị nhiều chàng ruồi khác theo đuổi. Loại protein ấy khiến các nàng ruồi đẻ trứng nhanh hơn và giảm hẳn ham muốn tình dục. Điều này làm giảm cơ hội giao phối của các chàng ruồi đến sau và đảm bảo rằng con đến trước sẽ có thêm hậu duệ. Số ruồi đực theo đuổi ruồi cái càng lớn thì lượng protein mà ruồi đực bơm vào cơ thể bạn tình càng tăng.

“Chúng tôi nhận ra rằng việc sử dụng hóa chất của ruồi đực qua con đường giao phối là hành vi phức tạp. Loại protein đó cũng tồn tại trong cơ thể động vật chân đốt và động vật có vú, trong đó có cả con người. Có thể nói nó chính là một loại thuốc kìm hãm hưng phấn tình dục”, một thành viên nhóm nghiên cứu là Wigby nói thêm.

Phát hiện của Wigby và cộng sự có thể giúp các nhà khoa học tìm ra cách tiêu diệt côn trùng có hại thông qua hành vi sinh sản của chúng. "Nếu chiết suất được loại protein làm giảm hưng phấn tình dục của ruồi cái, chúng ta có thể khiến chúng ngừng sinh sản", ông giải thích.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất