Đập thủy điện 800 triệu USD đe dọa cá tầm cực kỳ nguy cấp

Dự án thủy điện trên sông Rioni River ở Gruzia có thể xóa sổ những loài cá tầm vô cùng quý hiếm đẻ trứng ở thượng nguồn.

Dự án thủy điện Namakhvani được thông qua năm 2019 với dự kiến xây hai đập trên sông Rioni. Những người ủng hộ, bao gồm chính phủ Gruzia, cho biết dự án sẽ củng cố an ninh năng lượng do tăng thêm 15% sản lượng điện cả nước và thúc đẩy kinh tế địa phương khi cung cấp 1.600 việc làm mới ở các trạm thủy điện.

Trong khi đó, các chuyên gia bảo tồn lại lo ngại về số phận của động vật hoang dã ở Rioni - một trong hai con sông ở khu vực biển Đen, nơi cá tầm sinh sống. Đây là họ cá di cư cổ đại đã biến mất ở phần lớn môi trường sống khắp đại lục Á - Âu và Bắc Mỹ. Hai đập nước mới có thể xóa sổ 5 trong số những loài cá tầm cực kỳ nguy cấp sống trên sông bao gồm: cá tầm râu tua, cá tầm beluga, cá tầm sao, cá tầm Nga và cá tầm Colchic đặc hữu, khi làm gián đoạn dòng nước, ngăn chúng sinh sản thành công, theo Fleur Scheele, quản lý của tổ chức bảo tồn Fauna and Flora International (FFI).


Cá tầm sao, một trong 5 loài cực kỳ nguy cấp, có thể bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Namakhvani. (Ảnh: Wikipedia).

Özgür Çimenoğlu, quản lý môi trường của Enka Renewables, chi nhánh của Enka, công ty xây dựng lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, đơn vị thi công dự án, cho biết họ đang lập biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tới hệ sinh thái và sẽ theo dõi số lượng cá tầm để đánh giá ảnh hưởng tích tụ sau khi đập thủy điện đi vào hoạt động. Tuy nhiên, Çimenoğlu nhấn mạnh trách nhiệm của chính phủ là làm việc với nhà thầu theo hướng cân nhắc dành cho cá tầm và điều phối dòng chảy của con sông.

Hôm 24/4, sau nhiều tháng vấp phải sự phản đối của người dân và các tổ chức môi trường, thủ tướng Irakli Garibashvili đồng ý hoãn xây dựng đập một năm để ủy nhiệm và đánh giá những nghiên cứu bổ sung về môi trường và địa chất, đồng thời kiểm tra lại chi tiết hợp đồng. Các chuyên gia bảo tồn như Scheele hy vọng điều này có thể tăng thêm thời gian để nâng cao nhận thức về nguy cơ đập thủy điện mới gây ra đối với cá tầm vốn đang gặp khó khăn trong sinh tồn.

Từng sống cùng thời với khủng long ở đại lục Âu - Á và Bắc Mỹ, cá tầm tiến hóa cách đây hơn 250 triệu năm. Một số loài có thể dài tới hơn 6 m sau một thế kỷ. Nhu cầu đối với trứng cá hồi đã dẫn tới sự suy giảm của vài loài, vấn đề do đánh bắt quá mức, ô nhiễm và xây đập. Khi các loài di cư bơi lên thượng nguồn sông để đẻ trứng, nhiều quần thể cá tầm trên khắp châu Âu bị tán phá bởi đập nước. Nước xả ra từ đập cũng cuốn trôi trứng của chúng.

Vào giữa thế kỷ 20, hai đập nước thời Xô Viết được xây trên sông mà không có thang cá hoặc lối vượt, ngăn cản cá tầm tiếp cận lộ trình di cư cổ đại từ châu thổ sông Rioni tới thượng lưu. Đập nước thứ 3 xây dựng năm 1987, chỉ cách biển Đen 113 km. Nhà máy thủy điện Vartsikhe chắn đường bơi tới khu vực đẻ trứng quen thuộc của hơn 80% cá hồi. Trong vòng hai thập kỷ, số lượng cá hồi giảm hơn một nửa.

Dự án mới sẽ bao gồm hai đập bê tông ngăn nước, lần lượt cao 554m và 265m. Dù xây ở vùng thượng nguồn, kích thước lớn của chúng sẽ ảnh hưởng tới dòng nước mà cá tầm phụ thuộc vào, theo chuyên gia về cá tầm Radu Suciu, từng làm việc ở Viện nghiên cứu và phát triển quốc gia Danube Delta. Cá tầm dựa vào biến động theo mùa ở mực nước để canh thời gian di cư lên thượng nguồn vào mùa xuân. Nhưng đập thủy điện sẽ định kỳ xả nước để sản xuất điện. Biến động mạnh ở mực nước có thể ảnh hưởng tới điều kiện đẻ trứng, khiến cá tầm nhầm lẫn về thời gian sinh sản.

Ngoài ra, thỉnh thoảng đập nước xả thể tích nước lớn để làm sạch cặn lắng tích tụ ở hồ chứa nước. Trong một buổi chiều, hoạt động cả nước có thể cuốn trôi toàn bộ trứng và ấu trùng cá tầm đẻ trong một mùa. Đối với phần lớn loài cá tầm cứ vài năm mới đẻ trứng một lần, tác động có sức tàn phá lớn. Đập nước cũng ngăn dòng chảy tự nhiên của dưỡng chất nuôi sống động vật giáp xác mà cá tầm non thường ăn, có nghĩa nhiều cá thể sẽ chết đói hoặc không phát triển bình thường.

Những đập nước có thiết kế tương tự dự án Namakhvani đã dẫn tới sự tuyệt chủng của cá tầm trên các dòng sông ở Thổ Nhĩ Kỳ, Albania, miền bắc Italy và nhiều nơi khác. Một đập nước trên sông Enguri của Gruzia, xây vào thập niên 1970, làm ô nhiễm và chuyển dòng nước, khiến cá tầm ở đó biến mất.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất