“Dấu chân” lạ kỳ dưới biển sâu
Những dấu vết khổng lồ nói trên do robot lặn đại dương phát hiện, trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu đáy biển của Trung tâm Hải dương học quốc gia (NOC) ở Southampton (Anh).
Tổng cộng có hơn 3.500 vết lõm, một số vết lõm có chiều dài tới 2,5m và sâu 0,33m. Các dấu vết ở rất sâu dưới biển (độ sâu tới 4.258m). Ở độ sâu đó, không sinh vật nào có thể để lại dấu vết như vậy; mặc dù có quan điểm cho rằng, nhận định này có thể không đúng.
Những dấu vết này không có liên quan gì đến các hoạt động khai thác hay nghiên cứu khoa học.
Lúc ban đầu, những “dấu chân” khiến các nhà khoa học rất bối rối. Những dấu vết này không có liên quan gì đến các hoạt động khai thác hay nghiên cứu khoa học. Cá hoặc những động vật biển sâu khác cũng không thể tạo ra những dấu vết với kích thước quá lớn như vậy. Các nhà khoa học cũng cho rằng, các dấu vết này không phải là kết quả của những quá trình địa chất như rò rỉ khí hoặc dầu mỏ.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng những dấu vết có thể là kết quả hoạt động của cá voi khi chúng lặn rất sâu dưới biển. Tuy nhiên, cũng cần nhớ là nếu các dấu vết này đúng là do cá voi gây ra thì độ sâu tối đa mà cá voi phải lặn xuống tăng thêm hơn 1.000m so với giả định.
Những cá voi tầng sâu là những động vật có vú ở biển ít được biết đến nhất. Chúng thật sự là những “thợ lặn chuyên nghiệp” dưới biển sâu. Chúng chỉ ngoi lên mặt nước trong thời gian rất ngắn để lấy dưỡng khí.
Tại những vùng nước nông (thềm lục địa), một số loài cá voi lợi dụng đáy biển để loại bỏ phần da chết trên cơ thể. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ tại sao cá voi lại để lại những dấu vết lớn ở dưới biển sâu.
Tất nhiên, còn có thể giả định là không phải cá voi để lại những dấu vết này. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là nếu như cá voi không tạo ra những dấu vết bí ẩn đó, thì “thủ phạm” là ai?