Dấu hiệu bệnh tuyến giáp dễ nhầm với mệt mỏi thường ngày

Các triệu chứng bệnh tuyến giáp thường không đặc trưng, dễ nhầm với các mệt mỏi trong cuộc sống bận rộn nên hay bị bỏ qua.

Hiện thế giới có khoảng 200 triệu người mắc bệnh tuyến giáp. Rối loạn tuyến giáp có thể ảnh hưởng mọi lứa tuổi cả hai giới, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh gấp 10 lần nam. Khoảng 50% người bệnh không được chẩn đoán do triệu chứng không đặc trưng, dễ nhầm lẫn.

Tiến sĩ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết số lượt khám bệnh lý tuyến giáp tại bệnh viện tăng gấp gần ba lần trong bốn năm gần đây. Năm 2014 có hơn 27.000 lượt bệnh nhân, năm 2017 lên đến trên 74.000 lượt. Các bệnh lý tuyến giáp thường gặp là basedow, ung thư tuyến giáp, bướu cổ, suy giáp, viêm tuyến giáp...


Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh lý tuyến giáp gấp 10 lần nam. (Ảnh: drstansidhu).

Chức năng tuyến giáp bị rối loạn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ thể. Bệnh nhân bị cường giáp có thể gầy sút nhanh, sợ nóng, đổ nhiều mồ hôi, nhịp tim nhanh, bồn chồn, tính khí thất thường, dễ cáu gắt… Nếu không điều trị có thể dẫn đến cơn bão giáp, nguy hiểm tính mạng.

Theo bác sĩ Dương, phụ nữ có thai mắc cường giáp có thể đẻ non hoặc bị tiền sản giật, suy tim, nhiễm độc giáp cấp. Cường giáp không được kiểm soát tốt dẫn tới trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, sinh non, thai chết lưu hoặc dị tật...

Khi bị suy giáp, bệnh nhân hay mệt mỏi, suy nghĩ và vận động chậm chạp, nói chậm, trí nhớ giảm, có khi tăng cân, sợ lạnh, da khô, lông tóc dễ gãy rụng, nói khàn, khó thở, dễ táo bón, nhịp tim chậm, tim to, tràn dịch màng tim, suy tim... Suy giáp không điều trị có thể dẫn đến hôn mê. Phụ nữ có thai bị suy giáp nặng sẽ thiếu máu, đau cơ, yếu cơ, suy tim sung huyết, tiền sản giật, bất thường về nhau thai, ảnh hưởng sự phát triển não bộ của thai nhi. Trẻ sinh ra nhẹ cân và chảy máu sau sinh.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nhấn mạnh, Việt Nam cần tuyên truyền giáo dục cộng đồng để tăng tỷ lệ phụ nữ có nguy cơ cao đi khám bệnh. Đồng thời tăng cường các chương trình khám sàng lọc sớm để chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

Năm 2005, Việt Nam đã thanh toán được tình trạng thiếu i-ốt. Tuy nhiên hiện nay nguy cơ thiếu hụt đang quay trở lại do thói quen sử dụng nhiều bột canh, bột nêm, nước mắm... thay vì dùng muối i-ốt của nhiều gia đình.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất