Dấu hiệu cảnh báo ung thư khoang miệng
Ung thư biểu mô khoang miệng là bệnh phát sinh do sự biến đổi ác tính niêm mạc miệng phủ toàn bộ khoang miệng bao gồm: ung thư môi (gồm môi trên, môi dưới, mép), lợi hàm trên, lợi hàm dưới, khe liên hàm, khẩu cái cứng, lưỡi (phần di động), niêm mạc má và sàn miệng.
Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, người bệnh có thể phát hiện ung thư khoang miệng do những dấu hiệu khá dễ dàng nhận thấy ngay khi xuất hiện. Tuy nhiên người bệnh thường chủ quan. Vì thế, phần lớn các bệnh nhân ung thư khoang miệng lại đến viện ở giai đoạn muộn, khi tổn thương ung thư đã lan rộng, phá hủy nhiều cấu trúc lân cận do đó tiên lượng sống của bệnh nhân bị giảm nhiều.
Người bệnh có thể phát hiện ung thư khoang miệng do những dấu hiệu khá dễ dàng nhận thấy ngay khi xuất hiện.
Loại ung thư hay gặp nhất ở khoang miệng là ung thư biểu mô tế bào vảy (95%) và thường xuất hiện ở niêm mạc miệng. Ung thư biểu mô tế bào vảy được chia làm 3 loại: biệt hóa cao, biệt hóa vừa và kém biệt hóa. Ngoài ra còn có các loại ung thư khác như: ung thư biểu mô tuyến nang, ung thư tổ chức liên kết và ung thư hắc tố bào.
Nguyên nhân gây bệnh
Hút thuốc lá và uống rượu là những nguyên nhân chính gây ra các ung thư đầu cổ trong đó có ung thư khoang miệng. Thói quen ăn trầu thuốc, răng lệch lạc, vệ sinh răng miệng kém... có thể gây nên những tổn thương cơ học trong khoang miệng tạo điều kiện thuận lợi cho ung thư phát triển.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác như nhiễm virus Herpes, HPV (Human Papilloma Virus), hội chứng Xeroderma pigmentosum, thiếu máu Fanconi... cũng được cho là có liên quan đến ung thư khoang miệng.
Dấu hiệu ung thư khoang miệng
Bạn cần lưu ý nếu có những triệu chứng dưới đây:
- Cảm thấy khó nhai, khó nuốt.
- Miệng có tổn thương dạng xơ cứng, dạng chồi bông cải.
- Khó cử động lưỡi hoặc hàm.
- Sụt cân không mong muốn.
- Đau hoặc loét không liền hoặc chảy máu
- Răng lung lay không tìm ra nguyên nhân.
- Xuất hiện mảng trắng hoặc đen, đỏ trong khoang miệng.
Việc đánh giá tổn thương dựa vào nhiều yếu tố như thăm khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh. Nếu cần, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu chụp phim cắt lớp vi tính (CT Scanner) hoặc phim cộng hưởng từ (MRI) vùng đầu cổ hoặc lồng ngực để đánh giá sự lan tràn của bệnh tại vùng cũng như xem bệnh đã di căn đến phổi chưa.
Để chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết tổn thương. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nội soi vùng họng, thanh quản, thực quản, khí quản để tìm tổn thương vì có đến 5-15% bệnh nhân ung thư khoang miệng, họng hoặc thanh quản có thêm một ung thư thứ 2 tại vị trí khác ở vùng đầu cổ.
- Điều khiển vật thể bay lơ lửng bằng ánh sáng
- Vẻ đẹp mê hoặc lòng người của "cánh đồng rêu" ở Lý Sơn
- Chương trình "gửi tên lên sao Hỏa" của NASA đã trở lại