Dấu hiệu sự sống lâu đời nhất

Các nhà khoa học mới đây tìm thấy dấu vết của những loại vi khuẩn có từ 3,5 tỷ năm trước, trong một lớp đá trầm tích ở Australia. Đây được xem là dấu hiệu của sự sống lâu đời nhất trên Trái Đất.

Theo Telegraph, các cấu trúc vi khuẩn phức tạp được những nhà khoa học tìm thấy trong lớp đá trầm tích ở Pilbara, một khu vực thuộc tây bắc Australia. Giáo sư David Wacey, nhà nghiên cứu tại đại học Western Australia, cho biết các mẫu vật thu thập được với niên đại từ 3,4 đến 3,43 tỷ năm có thể là dấu hiệu của sự sống lâu đời nhất còn tồn tại trên Trái Đất.


Mẫu đá trầm tích chứa cấu trúc vi khuẩn có niên đại gần 3,5 tỷ năm tuổi. (Ảnh: Natureworldnews)

Khi tiến hành quan sát mẫu đá trầm tích bằng kính hiển vi, nhóm nghiên cứu của Australia và Mỹ đều nhận thấy có sự có mặt của vi khuẩn dưới dạng vật chất giàu carbon. Tuy nhiên, chúng đều trải qua quá phân hủy mạnh đến mức không thể quan sát được dưới dạng tế bào.

Việc tìm thấy mẫu đá trầm tích được xem là một trường hợp hiếm gặp vì hầu hết các tầng đá cũ đều biến đổi theo thời gian, dưới tác động của ngoại lực và các hoạt động kiến tạo khác. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết cho rằng mẫu vật được hình thành do sự tương tác giữa màng vi khuẩn với các lớp trầm tích bờ biển trong khu vực vào thời kỳ đó.

Theo giáo sư Nora Noffke từ đại học Old Dominion, Mỹ, cấu trúc vi khuẩn ở mẫu đá trầm tích có thể cung cấp thêm các thông tin về thời gian sự sống bắt đầu phát triển trên hành tinh cũng như những biến động của môi trường trong hàng triệu năm.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất