Đâu là nguyên nhân dẫn tới thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria?

Vào ngày 6/2, hai trận động đất liên tiếp mạnh 7,8 và 7,5 độ richter đã tấn công vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, gây ra thiệt hại nặng nề. Thảm họa kép này gây ra một cuộc khủng hoảng cả về con người và kinh tế. Cụ thể, hàng nghìn người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria được ghi nhận đã thiệt mạng. Hiện nay, vẫn còn nhiều người chưa rõ tung tích.

Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hứng chịu trận động đất dữ dội. Theo các chuyên gia, đây cũng không phải là lần cuối cùng động đất xảy ra tại khu vực này.


Hơn 34.000 người thiệt mạng sau trận động đất xảy ra vào ngày 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria (tính đến trưa 13/2). (Ảnh: Getty Images)

Nguyên nhân hóa ra ở sâu bên dưới bề mặt Trái đất, nơi có ba mảng kiến tạo hội tụ. Theo đó, ba mảng kiến tạo này tạo thành một loại động đất độc nhất vô nhị với nguy cơ tàn phá lớn.

Cụ thể, trận động đất đầu tiên xảy ra ở khu vực này là khoảng 18 km bên dưới thị trấn Gazientep, Thổ Nhĩ Kỳ. Thoạt đầu, ai cũng cho rằng 18 km là có vẻ sâu. Nhưng thực chất đây vẫn được tính là nông với một trận động đất lớn.

Các chuyên gia cho biết, thị trấn này rất dễ chịu thiệt hại vì nằm gần nơi giao nhau của hai mảng kiến tạo.

Vậy, mảng kiến tạo là gì?

Mảng kiến tạo là những phiến đá khổng lồ nằm trên vỏ Trái đất, dày từ 16 – 260 km và chúng luôn di chuyển chậm.

Tiến sĩ Michael Steckler tại ĐH Columbia (New York, Mỹ), cho biết: "Chúng ta có thể chia Trái đất thành những mảng lớn. Tất cả đang di chuyển xung quanh nhau. Phần lớn động đất xảy ra ở ranh giới giữa các mảng đó".


Thổ Nhĩ Kỳ thường xảy ra động đất vì nằm giữa hai mảng kiến tạo lớn. (Ảnh: WSJ).

Thổ Nhĩ Kỳ nằm giữa hai mảng kiến tạo lớn, nên động đất không phải là hiện tượng bất ngờ. Ba mảng kiến tạo gồm mảng Anatolia, châu Phi và Arab trượt vào nhau. Mảng Anatolia di chuyển về phía tây, còn mảng châu Phi và Arab thì di chuyển về phía đông.

Những ranh giới giữa các mảng kiến tạo này được gọi là đứt gãy trượt ngang. Xung đột giữa các mảng sẽ tăng lên khi chúng bị đẩy theo các hướng khác nhau. Đến khi mức độ xung đột quá lớn, chúng sẽ bị trượt. Đây là một trận động đất trượt ngang. Lúc bấy giờ, áp lực sẽ tích tụ và cuối cùng bị vỡ ra, giải phóng toàn bộ áp lực tích luỹ trong một trận động đất lớn.

Đó cũng là những gì xảy ra ở Gazientep, dẫn tới trận động đất 7,8 độ richter.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính, sự trượt ngang xảy ra dọc theo khoảng 160km của đứt gãy. Đây là khoảng cách ngắn hơn khoảng 30km so với đa số các trận động đất trượt ngang.

Theo các nhà nghiên cứu, những trận động đất lớn với hệ thống đứt gãy này thì có lẽ là kết quả của sự tích lũy từ 300 – 500 năm áp lực, kể từ trận động đất cuối cùng. Đặc biệt, năng lượng được giải phóng trong sự kiện trận động đất trượt ngang có thể so sánh với năng lượng phóng ra từ vụ phun trào núi lửa St. Helen vào năm 1980.

Đây cũng là điều tương tự xảy ra 9 tiếng sau tại Ekinozu (Thổ Nhĩ Kỳ), dẫn tới trận động đất mạnh 7,5 độ richter. Trận động đất xảy ra vào chiều ngày 6/2 chỉ sâu 10km.

Tổng cộng có hơn 285 dư chấn đã xảy ra sau hai trận động đất. Các chuyên gia của USGS nhận định, khu vực xảy ra động đất không ổn định và có nhiều hoạt động kiến tạo. Khu vực này được coi là một trong những nơi phức tạp nhất của thế giới về kiến tạo học, vì có tới 4 mảng kiến tạo khác nhau cùng tương tác.

Trên thực tế, nhũng nơi có kiến tạo phức tạp từ lâu đã gây ra các trận động đất kinh hoàng. Chẳng hạn, đứt gãy Bắc Anatolian dài 965km đã tạo ra 7 trận động đất trượt lớn từ năm 1939 đến năm 1999. Trong đó, trận động đất mạnh 7,4 độ richter vào năm 1999 đã khiến khoảng 17.000 người thiệt mạng.

Trong khi đó, mới đây, USGS ước tính rằng, về mặt kinh tế, trận động đất xảy ra ngày 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể gây ra tổn thất hàng tỷ USD. Điều nghiêm trọng nhất chính là thiệt hại về người và sự tàn phá. Thực tế, khu vực này sẽ phải mất nhiều năm để phục hồi.

Thế nhưng, có một băn khoăn rằng nếu hai trận động đất vừa qua có thể sẽ  sẽ "châm ngòi" cho một trận thứ ba?

Các chuyên gia cũng không chắc chăn về điều này. Bởi lẽ thảm họa kép có tạo thêm áp lực cho một số đứt gãy gần đó hay không, hoặc giảm bớt áp lực cho chúng thì sẽ cần phải có thêm thời gian để tìm ra.

Hơn nữa, do sự hội tụ của ba mảng kiến tạo nên vấn đề không phải liệu sẽ có trận động đất khác xảy ra hay không mà là khi nào sẽ xảy ra.

Vệ tinh của NASA thấy gì?

Theo dữ liệu được NASA chia sẻ, hai trận động đất liên tiếp xảy ra ở khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria bắt nguồn từ một đường đứt gãy nằm sâu 18km bên dưới mặt đất và tạo ra rung chuyển lớn ảnh hưởng tới những khu vực cách tâm chấn hàng trăm km.

Nhà địa vật lý Eric Fielding tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, cho biết: "Đây là những trận động đất rất lớn và mạnh. Chúng phá vỡ toàn bộ bề mặt trên một loạt các đoạn đứt gãy dài. Điều này đã tạo ra rung chấn cực mạnh trên một khu vực rất lớn, và tấn công nhiều thành phố và thị trấn tập trung đông người".


Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất 7,8 độ richter. (Ảnh: Getty Images)

Theo vị chuyên gia này, độ dài và cường độ của trận động đất mạnh 7,8 độ richter tương tự như trận động đất đã tàn phá San Francisco vào năm 1906.

Tính đến trưa 13/2, theo CNN, ước tính có hơn 34.000 người chết và khoảng 10.000 người bị thương sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào ngày 6/2 vừa qua.


Bản đồ vệ tinh của NASA cho thấy mức độ thiệt hại tại ba thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất ngày 6/2. (Ảnh: NASA).

Sau khi nhận được tin tức về thảm hoạ động đất tại 2 quốc gia này, các nhà khoa học của NASA cùng các cơ quan vũ trụ trên thế giới đã tiến hành thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu vệ tinh có liên quan tới vụ việc.

Theo bản đồ vệ tinh cho thấy sơ bộ về mức độ thiệt hại một phần của các thành phố Türkoğlu, Kahramanmaraş và Nurdaği của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, các pixel có màu đỏ đậm biểu thị những khu vực có nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị hư hại nghiêm trọng, hoặc làm thay đổi cảnh quan. Ngoài ra, các khu vực có màu cam và màu vàng thì bị tàn phá ở mức vừa phải hoặc một phần. Trên thực tế, mỗi pixel đại diện cho một không gian có kích thước khoảng 30m, gần bằng diện tích sân bóng chày.

Bản đồ này được tạo ra nhờ dữ liệu do thiết bị PALSAR-2 trên Vệ tinh Quan sát Mặt đất Tiên tiến ALOS-2 thu thập vào ngày 8/2/2023. Theo đó, vệ tinh này có mang một radar khẩu độ tổng hợp, một cảm biến để gửi các xung vi sóng về phía bề mặt Trái đất  và sau đó lắng nghe phản xạ của các sóng này để lập bản đồ cảnh quan.

Các nhà khoa học có thể nhận thấy được sự thay đổi và xác định được các khu vực hư hại, bằng cách tiến hành so sánh dữ liệu vào ngày 8/2 với các quan sát của cùng một vệ tinh trước trận động đất vào tháng 4/2021 và tháng 4/2022.

Bản đồ thiệt hại và dữ liệu vệ tinh này đang được chia sẻ với các tổ chức như Bộ Ngoại giao Mỹ, Cơ quan Cứu trợ Thảm họa Toàn cầu Miyamoto và Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, nhóm các nhà khoa học của NASA cũng đang tham gia vào những chương trình phối hợp liên tục do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tổ chức để có thể đóng góp kiến thức khoa học chuyên môn nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực đánh giá rủi ro và phục hồi.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất