Dấu tích đình làng cổ hơn 200 năm tuổi
Các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ vừa phát hiện dấu tích đình làng cổ có niên đại hơn 200 năm cùng hàng trăm hiện vật gốm cổ làm bằng đất nung, gốm sứ... tại khu vực Gò Đình, thị trấn Trà Xuân, huyện miền núi Trà Bồng.
Sáng nay, Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi công bố kết quả ban đầu về quá trình khai quật và nghiên cứu khảo cổ học ở huyện Trà Bồng. Đây là một phần công việc trong dự án Khai quật khảo cổ học, xây dựng hồ sơ khoa học và đề xuất bảo tồn nhằm phát huy giá trị Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định, do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Khảo cổ học cùng với Viện viễn đông bác cổ Pháp thực hiện.
Di tích Trường Lũy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào đầu năm nay.
Nhiều mảnh gốm cổ làm bằng sứ, đất đất nung được phát hiện tại di tích đình làng ở khu vực Gò Đình, thị trấn Trà Xuân, huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi). (Ảnh: Trí Tín)
Sau hai tháng thu thập, điều tra, các nhà khoa học đã tiến hành đợt khai quật lớn tại di tích Gò Đình. Kết quả, phát hiện dấu tích một ngôi đình xưa được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, rộng 168 m2; cùng hàng trăm hiện vật đa dạng, phong phú, đặc biệt là đồ gốm sứ, mảnh gạch, ngói âm dương.
Khu vực phía bắc của đình, trong lớp đất sét màu nâu hồng xuất lộ một cụm gốm sứ, chủ yếu là các mảnh đáy, chân đế bát, đĩa men trắng vẽ lam tinh xảo có niên đại thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20.
Trao đổi với VnExpress.net, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học cho biết, căn cứ vào những hiện vật gốm khai quật thì di tích đình làng này được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18. Trong thời gian tồn tại, đình được tu sửa nhiều lần, lần cuối cùng vào năm 1940.
"Việc phát hiện, nghiên cứu phế tích kiến trúc đình tại Trà Bồng cho thấy cộng đồng người Việt đã từng sinh sống khá đông đúc, xây dựng công trình đình thờ tự gắn với đời sống tâm linh, kết nối cộng đồng chặt chẽ, bảo tồn được văn hóa truyền thống của mình nơi núi rừng Quảng Ngãi", ông Đông nói.
Hoa văn tinh xảo trên gốm sứ men lam được phát hiện
ở di tích đình làng xưa ở khu vực Gò Đình. (Ảnh: Trí Tín)
Theo Tiến sĩ Đông, sự có mặt của nhiều dòng gốm Trung Hoa và Việt Nam của cộng đồng người Việt xưa tại di tích đình làng này cho thấy thị trường buôn bán sôi động tại huyện miền núi Trà Bồng từ thế kỷ 18, 19. Điều đó cho thấy, di sản Trường Lũy không chỉ làm nhiệm vụ quân sự mà còn làm nhiệm vụ kiểm soát, thúc đẩy giao thương giữa hai miền Kinh - Thượng, kết nối với thế giới bên ngoài. Đây là những dữ liệu khoa học quý bổ sung làm phong phú thêm cho hồ sơ tư liệu di tích Trường Lũy.
Bên cạnh việc khai quật khu vực Gò Đình, các nhà khoa học còn khảo sát cấu trúc một đoạn lũy ở thôn Sơn Bàn, xã Trà Sơn. Tại đây, các nhà khoa học đã ghi nhận lũy ở đây được xây dựng có cấu trúc cơ bản lõi đất ốp đá bên ngoài, mặt lũy phía không có hào được xây giật cấp chắc chắn. Xung quanh lũy Sơn Bàn, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều mảnh gốm tiền sử, một rìu đá mài có vai có niên đại ít nhất hơn 2000 năm. Điều này cho thấy con người sinh sống từ rất lâu đời tại đây.