Dấu tích tháp Chăm cổ lớn nhất được phát hiện
Ngày 22/8, sau gần một tháng tái khai quật di tích Chăm Pa tại Đà Nẵng, lần đầu tiên đoàn khảo cổ phát hiện một hố trung tâm trong lòng tháp với nhiều hiện vật lạ mà kết cấu còn gần như nguyên vẹn.
>>> Phát lộ phế tích tháp Chăm Pa 1.000 năm tuổi
Trao đổi với PV, ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm (TP Đà Nẵng) cho biết, hố này vuông cạnh 4,25m, sâu 2m và được làm bằng gạch Chăm. Trong lòng hố được lấp đầy khoảng 30m3 cát, sỏi xếp lớp.
Khu hố trung tâm chứa nhiều hiện vật lạ vừa được phát hiện. (Ảnh: Tú Anh)
Sau khi múc toàn bộ số cát, sỏi ra khỏi hố, đoàn khảo cổ tiếp tục phát hiện 8 ô lõm chia ra 8 hướng, nằm ở 4 góc và cạnh. Trong mỗi ô lõm có xếp một viên gạch vuông nằm lên một viên đá cuội tròn. Giữa đáy hố còn sót lại một dãy đá cuội và thạch anh xếp thành hình bán nguyệt.
Ông Thắng và các cộng sự dự đoán, rất có thể dãy đá cuội này trước đây được xây theo hình tròn nhưng do nhiều lý do khác nhau mà đến nay bị biến dạng. "Theo tín ngưỡng của người Chăm, ở 8 hướng có 8 vị thần cai quản, do đó có thể đây là tín ngưỡng tâm linh nói đến các vị thần canh giữ", ông Thắng nói.
Về quy mô của kiến trúc vừa phát hiện được, đoàn khảo cổ nhận định nhiều khả năng đây là nền móng của một kiến trúc tháp Chăm như nhiều khai quật trước đó. Tuy nhiên theo ông Thắng, nếu căn cứ vào nền móng đồ sộ như vậy thì nơi đây đã từng tồn tại một tháp Chăm rất lớn, có thể nói phải là tháp lớn nhất từ trước đến nay, cho thấy sự tồn tại một trung tâm tôn giáo của người Chăm từ thế kỷ 12.
Đền tháp Chăm Pa nằm tại làng Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) được khai quật giữa năm 2011, nhằm phục vụ công tác bảo tồn, giáo dục và du lịch. Tại đây, các nhà khảo cổ phát hiện một vùng diện tích rộng lớn là khu đền tháp Chăm Pa cách đây khoảng gần 1.000 năm.
Giới chuyên môn đang tiếp tục giải mã các hiện vật vừa tìm thấy để có kế hoạch cho việc khai quật tiếp theo.