Đây là lý do loài cây này mọc siêu chậm: Cả năm mọc được 3cm

Không như hầu hết các thực vật có hoa đều thu ong hút bướm, Joshua chỉ kết đôi với bướm đêm Yucca trong suốt cuộc đời dài đằng đẵng đến hàng trăm năm, thậm chí là 1000 năm.

Nếu đã từng tới hoang mạc Mojave ở Mỹ, bạn chắc chắn không thể rời mắt khỏi đám cây Joshua tua tủa mớ lá dài, sắc nhọn như lưỡi lê. Trên cái nền cằn cỗi của đá và cát, chúng nổi lên đầy vẻ hăm dọa nhưng cũng đẹp mê hồn.

Là thực vật đặc hữu của miền Tây Nam Mỹ

Joshua có tên khoa học Yucca brevifolia, chỉ mọc giới hạn trong hoang mạc Mojave, trên độ cao từ 400-1800m. Vì sở hữu những phiến lá dài lại hẹp, cứng và sắc nhọn, loài cây này còn có tên tiếng Tây Ban Nha là Izote de desierto, tức "dao găm sa mạc".


Cây Joshua là thực vật đặc hữu của miền Tây Nam Mỹ.

Còn cái tên Joshua thì được đặt vào khoảng thế kỷ XIX, bởi người Mormon. Hình dạng của loài cây này gợi nhớ đến Joshua, nhân vật đứng giơ tay chỉ dẫn hướng đi cho người Israel trong cuộc chinh phạt Canaan trong sách Kinh thánh.

Hoang mạc Mojave, ngoài nổi tiếng bởi khí hậu khô cằn bậc nhất, có Thung lũng Chết lừng danh, nó còn là khu bảo tồn cây Joshua duy nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, hoang mạc này cũng gánh vác trách nhiệm duy trì sự sống của từ 1750-2000 loài thực vật khác.


Cái tên Joshua thì được đặt vào khoảng thế kỷ XIX, bởi người Mormon.

Loài cây... chậm chạp nhất thế giới

Trèo lên độ cao ngoài 400m so với mực nước biển của Mojave, trước mắt bạn sẽ là cả rừng Joshua "lá dao găm". Mỗi phiến lá của chúng đều có thể dài từ 15-35cm, nhưng lại chỉ rộng tầm 7-15mm, nom hệt như những lưỡi lê sắc lạnh màu xanh đậm.

Không chỉ dài và sắc, rìa lá còn có răng cửa. Thú vị là trong khoảng từ tháng 2 đến cuối tháng 4, loài cây đầy vẻ hằn học này lại trổ những chùm hoa đẹp mê mẩn. Hoa này không nở thường niên. Tùy thuộc vào điều kiện lượng mưa của sa mạc và thời điểm thích hợp, loài cây này mới phát triển nụ.


Hoa của cây Joshua.

Bình thường, một cây Joshua con sẽ chỉ mọc đúng một ngọn. Phải tới khi trưởng thành, sắp sửa trổ bông, chúng mới bắt đầu ra nhánh. Tuy nhiên, trong trường hợp ngọn chính bị hư hại bởi nguyên nhân nào đấy, chúng sẽ sớm mọc cành để thay thế.

Một điểm đặc biệt của cây Joshua là chúng mọc cực kỳ chậm. Trong vòng 10 năm đầu, một cây Joshua mới chỉ phát triển được khoảng 7,6cm/năm. Kể từ năm thứ 11, chúng lại càng lớn chậm hơn nữa, chỉ được chừng 3,8cm/năm.

Nguyên nhân cũng vì môi trường sống quá khắc nghiệt. Vì Joshua mọc trong sa mạc nên dẫu đã thành công phân tán hạt giống, chúng vẫn phải "trông trời, trông đất, trông mây" rồi mới lo nảy mầm. Chỉ khi đón được trận mưa hiếm hoi, mầm Joshua mới tách vỏ. Nếu có hạt nào đó vì vội vã mà ra rễ trước khi nhận được mưa, nó sẽ không bao giờ mọc nhánh hay đơm bông.


Joshua mọc rất chậm.

Nhưng trái ngược với phần thân mọc chậm hơn "rùa bò", phần rễ lại sớm đâm sâu và vươn xa trong lòng đất. Chúng có thể vươn khỏi gốc đến 11m. Từ những cái rễ này, một vài Joshua con cũng có thể trồi lên, khiến cho "đại gia đình" mỗi lúc một thêm đông vui.

Trên tất cả, một cây Joshua có thể sống đến hàng trăm năm, thậm chí là 1000 năm. Có điều, dù tuổi tác có lão niên thì chiều cao của chúng cũng chẳng hơn được mấy, cao lắm cũng mới từ 15-20m.


Một cây Joshua có thể sống đến hàng trăm năm, thậm chí là 1000 năm.

Với các động vật sống trong sa mạc bức bối thì cây Joshua giống như một hệ thống an sinh hoàn hảo vậy. Đám chim Scott's oriole thích thú xây tổ trên các nhánh cây. Lũ chuột lại chọn phần gốc Joshua mà đào hang trú ẩn. Nhiều động vật khác thì nhờ bóng mát của chúng mà tránh cái nắng thiêu đốt ngoài trời.

Chỉ thủy chung với bướm đêm Yucca

Như mọi loài hoa có nhị và nhụy, Joshua cũng cần côn trùng thụ phấn giúp. Có điều, chúng chỉ thu hút duy nhất một loài bướm đêm Yucca.

Yucca là loài bướm không hề có vẻ ngoài bắt mắt. Song ngạc nhiên là loài bướm đêm này lại phát triển dạng mõm xúc tu thay vì vòi nhọn quen thuộc. Nhờ đó, chúng dễ dàng thụ phấn giúp cây Joshua. Để đổi lại, nó cho phép lũ bướm toàn quyền đẻ trứng vào noãn hoa. Ấu trùng Yucca sau khi chui ra khỏi vỏ trứng sẽ xơi luôn quả non Joshua vừa mới hình hài.

Sở dĩ cây Joshua bất chấp sự nguy hiểm mà "cược tất" vào nhà bướm đêm Yucca cũng vì chúng là loài hoa không có mật. Hầu hết các côn trùng quanh quẩn bên hoa đều vì mật ngọt chứ không phải vì sắc diện đẹp đẽ. Cá nhân bướm đêm Yucca cũng không tìm đến hoa Joshua để kiếm ăn. Nó đến để đẻ trứng.


Mỗi con Yucca ghé một bông Joshua sẽ dùng cái miệng kiểu xúc tu của mình mà vo phấn thành những quả bóng tí hon.

Thực tế, nếu không nhờ có Yucca, Joshua không cách nào duy trì nòi giống. Mỗi con Yucca ghé một bông Joshua sẽ dùng cái miệng kiểu xúc tu của mình mà vo phấn thành những quả bóng tí hon. Sau đó, nó mang đám "bi phấn" ấy sang một bông Joshua khác chưa bị đồng loại đẻ trứng mà gửi gắm thế hệ sau, sẵn tiện thụ phấn cho cây Joshua luôn.

Khi ấu trùng Yucca nở ra, chúng sẽ xơi luôn đám quả non Joshua. Đến khi trưởng thành thì bò xuống gốc, rúc vào lòng đất, kéo kén, chờ đợi mùa xuân sau lại tới để tiếp tục vòng tuần hoàn.

Còn về phần Joshua, chúng sẽ dồn sức nuôi dưỡng những quả không bị sâu Yucca đục khoét. Đến khi quả chín, gió hoặc động vật hoang dã sẽ giúp chúng phát tán hạt giống.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất