Đây là những con sâu đang khiến cả thế giới phải phấn khích. Lý do là...

Có thể nói, loài sâu này là chìa khóa, là cứu tinh cho một vấn đề nan giải nhất đối với nhân loại hiện nay.

Mỗi năm, con người sử dụng hàng ngàn tỉ túi nylon, cùng cả trăm triệu tấn nhựa. Trong đó theo thống kê, ít nhất 8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra ngoài môi trường mỗi năm.

Giải quyết được số nhựa này là một bài toán không đơn giản, trong khi chúng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là với các sinh vật sống trong lòng đại dương. Tuy nhiên, chìa khóa cho mọi vấn đề có thể chính là con sâu trong ảnh dưới đây.

Đó là loài sâu sáp đang khiến cả thế giới phải phấn khích. Lý do là vì nó không ăn lá cây, mà hấp thụ dinh dưỡng bằng nylon và chất thải nhựa. Thậm chí, nó còn thải ra một loại cồn trong suốt, không gây hại cho môi trường.

Các chuyên gia từ Viện Y sinh và Công nghệ sinh học Cantabria (Tây Ban Nha) đã tìm ra khả năng của loài sâu này một cách rất tình cờ. Trong một lần quan sát, họ nhận thấy những chiếc túi nylon có chứa sâu sáp bị phân hủy rất nhanh, tạo thành những cái lỗ chằng chịt. Chỉ trong chưa đầy 1h đồng hồ, chiếc túi bị phân hủy đến mức không thể tái sử dụng được nữa.

"Chúng tôi mới phát hiện ra rằng ấu trùng của loài bướm phổ biến khắp thế giới - Galleria mellonella - có khả năng phân hủy cả loại nhựa bền và cứng đầu nhất hiện nay là polyethylene" - Federica Bertocchini, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.

Thông thường, loài sâu sáp này không ăn nhựa. Nhưng với phát hiện mới, các chuyên gia nghi ngờ rằng đây là một khả năng phụ, bên cạnh thói quen tự nhiên của chúng.

Theo đó, loài sâu này đẻ trứng ở trong các tổ ong. Các ấu trùng nở ra và lớn lên trên sáp ong - thứ có chứa hỗn hợp của nhiều loại chất béo. Và việc phân hủy sáp ong so với polyethylene là những quá trình phá vỡ liên kết hóa học khá tương đồng.

"Tại sao? Vì sáp ong là polymer, là một dạng "nhựa có thành phần tự nhiên" - tiến sĩ Bertocchini giải thích.

Với phát hiện này, các chuyên ra tin rằng có thể tìm ra cách tách cơ chế sinh học của loài sâu, qua đó đưa ra biện pháp giải quyết phần lớn rác thải từ nhựa polyethylene hiện nay.

"Chúng tôi đang hy vọng tìm ra một phương pháp hiệu quả nhất để loại bỏ rác thải nhựa, qua đó giải cứu môi trường biển, sông hồ, đại dương và bất kỳ nơi nào nhựa đang chiếm đóng" - Bertocchini chia sẻ.

Tuy vậy, bà cũng cảnh báo rằng: "Chúng ta vẫn phải giữ nguyên ý thức. Không nên vứt bừa bãi rác nhựa ra tự nhiên, chỉ vì biết rằng ta đã có cách để phân huỷ chúng".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất