Đêm nay Việt Nam chiêm ngưỡng cực đại mưa sao băng "gấu con"

Với bóng tối trăng non, người Việt Nam có cơ hội chiêm ngưỡng trận mưa sao băng cuối cùng của năm 2022 rất rõ nếu được thời tiết ưu ái.

Theo định vị tại TP HCM của trang Time and Date, từ Việt Nam bạn sẽ chiêm ngưỡng đêm đẹp nhất của mưa sao băng Ursids vào đêm ngày 22, rạng sáng 23-12, với khoảng 10 ngôi sao băng mỗi giờ.

Tuy đây chỉ là một trận mưa sao băng nhỏ so với Geminids rực rỡ hồi giữa tháng 12 nhưng nó rơi vào thời điểm thuận lợi để quan sát.


Mưa sao băng Ursids sẽ rơi ra từ điểm màu vàng trên bản đồ, ngay chòm sao Tiểu Hùng, vốn nằm gần hai chòm sao dễ thấy hơn là Đại Hùng (Ursa Major) và Thiên Long (Draco) - (Ảnh: HIỆP HỘI SAO BĂNG MỸ)

Đến sáng 22-12, Mặt trăng chỉ còn là một lưỡi liềm cực mỏng dưới 3% và đến hôm 23-12 sẽ chính thức thành trăng non - tức Trái đất, Mặt trăng và Mặt trời thẳng hàng và Mặt trăng nằm ở giữa - khiến phía đêm tối của Trái đất hoàn toàn không thể thấy nó. Mưa sao băng vốn có ánh sáng yếu hơn ánh trăng nhiều nên sẽ đẹp nhất trong những đêm không trăng.

Mưa sao băng Ursids sẽ như tuôn ra từ chòm sao Ursa Minior (Tiểu Hùng, tức con gấu nhỏ), nên được đặt một cái tên gần với tên chòm sao.

Thế nhưng "mẹ" thực sự của mưa sao băng là sao chổi 8P/Tuttle, một sao chổi tuần hoàn với quỹ đạo 13,6 năm quanh Mặt trời. Tuy vậy, nó vẫn để lại một chiếc đuôi đá bụi dài và tồn tại đủ lâu để biến thành mưa sao băng mỗi khi Trái đất đi qua chiếc đuôi đó tháng 12 hằng năm.

Mưa sao băng Ursids hoạt động từ ngày 17-12 đến 24-12 hằng năm, tuy nhiên vì nó không mấy "nặng hạt" nên việc quan sát đúng đêm cực đại sẽ giúp bạn chiêm ngưỡng dễ dàng hơn.

Cách quan sát mưa sao băng là chọn một vùng không gian thoáng đãng và tạm để mắt rời xa ánh đèn, ánh sáng các loại màn hình từ 15-20 phút để làm quen với bóng tối. Tất nhiên hãy mong thời tiết tốt vì những đám mây dày có thể làm khuất lấp ánh sáng của những ngôi sao băng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất