Đền thờ thần Apollo ở Bassae
Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Đền thờ thần Apollo ở Bassae là Di sản văn hóa thế giới năm 1986.
Đền thờ Apollo là một đền thờ Hy Lạp cổ đại ở Bassae và được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Tuy ngôi đền này nằm xa các thành phố quan trọng của Hy Lạp cổ đại nhưng nó lại được nghiên cứu nhiều nhất vì những đặc điểm kiến trúc khác thường.
Nằm tại vùng miền núi xa xôi ở Peloponnese, đền thờ Apollo tên đầy đủ là Apollo Epicurius ở Bassae là một trong những đền thờ cổ đại có quy mô rộng lớn và được bảo tồn tốt trên thế giới.
Ngôi đền tọa lạc ở độ cao 1.131 mét so với mặt nước biển, được bao quanh bởi rất nhiều khe suối hẹp, cách thị trấn Andritsaina 14,5km. Vị trí biệt lập và ý nghĩa đặc biệt của ngôi đền là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học trong suốt 2 thế kỷ. Có giả thiết cho rằng những người dân làng ở quanh đây thờ phụng Apollo vì đã bảo vệ họ nên đã dựng nên ngôi đền này (từ Epicurius có nghĩa là người giúp đỡ, người bảo vệ). Bên cạnh đó còn có giả thiết cho rằng họ tự bỏ tiền xây dựng lên ngôi đền để mong Apollo bảo vệ cho họ.
Trong thần thoại Hy Lạp, thần Apollo rất nổi tiếng. Apollo là thần ánh sáng, chân lý và nghệ thuật, thường được thể hiện dưới hình dạng một chàng trai tóc vàng, đeo cung bạc và mang đàn lia. Thần là con của thần Zeus và nữ thần Leto, là anh song sinh của nữ thần săn bắn Artemis. Apollo thường được biết đến với tài bắn tên xa muôn dặm. Apollo thường được đồng nhất với thần Mặt Trời Helios.
Điện thờ này có kiến trúc rất đặc biệt, là sự kết hợp của các kiến trúc Doric, Lonic và Corinth. Thực tế, những cột trụ trang trí kiểu Corinth ở đây là những mẫu lâu đời nhất trên thế giới. Được xây dựng đơn thuần bởi đá tổ ong xám, hứng những luồng gió thổi quanh năm, ngôi đền mang một vẻ u buồn và lạnh lẽo. Điều đặc biệt là trong ngôi đền, những bức tượng và trụ đá được làm từ đá hoa cương vô cùng lộng lẫy. Những cột trụ này hiện được trưng bày trong Bảo tàng Anh.
Trong khi bên ngoài của điện thờ được thiết kế với kiến trúc Doric thì bên trong điện thờ lại thể hiện một sự kết hợp lạ thường của kiến trúc Lonic và Corin. Sự kết hợp của 10 chiếc cột theo kiến trúc Ionic ở những vùng trũng và một chiếc cột kiểu Corinth ở cuối dãy phía Nam bên trong đền thờ tạo nên sức hút lớn cho công trình kiến trúc Hy Lạp này. Có 1 điều đáng tiếc là trải qua hang nghìn năm những cột đá này đã ít nhiều bị hư hỏng.
Bên ngoài đền thờ là 15 cột trụ thiết kế theo kiểu Donric chạy dọc theo chiều dài đền thờ và 6 chiếc cột theo chiều ngang. Hầu hết chúng vẫn giữ nguyên được kiểu dáng ban đầu.
Năm 1986, đền thờ đã được Unesco công nhận là di sản thế giới và là di sản đầu tiên được công nhận tại Hy Lạp. Kể từ đó đến nay, các kế hoạch tôn tạo lại điện thờ vẫn đang được tiến hành liên tục hàng năm.
Đền thờ Apollo ở Bassae đã được xây dựng với kiến trúc vô cùng tỉ mỉ, sáng tạo và mang vẻ đẹp pha trộn của nhiều nền kiến trúc cổ đại khác nhau. Chính bởi vị trí biệt lập này mà đền thờ đã được bảo vệ rất tốt qua năm tháng của thời gian. Những dấu tích của sự sạt lở chỉ được tìm thấy vào năm 1765 khi mà nhà kiến trúc sư người Pháp là Joachim Bocher tình cờ phát hiện ra. Hiệp hội khảo cổ Hy Lạp đã trùng tu lại điện thờ từ năm 1902 đến 1906, thay thế những cột trụ đã vỡ nát và sửa lại những bức tường nội điện. Một cuộc tu sửa nữa được tiến hành vào những năm 1960 khi những mảnh vụn của trụ gạch được đào lên. Năm 1987, chính phủ Hy Lạp quyết định phủ lên toàn bộ đền thờ một tấm vải phủ được thiết kế đặc biệt để bảo vệ ngôi đền trước tác động của thời tiết, khí hậu.
Không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp, độc đáo, đền thờ Apollo còn chứa đựng lịch sử hàng nghìn năm của Hy Lạp và lời khởi nguồn của những câu chuyện thần thoại về các vị thần Hy Lạp. Chính vì vậy mà di sản này được quan tâm đặc biệt và dù đã trải qua rất nhiều cuộc thăm dò, khảo cổ nhưng theo các nhà khoa học, nhà lịch sử và khảo cổ học thì nơi đây vẫn còn ẩn chứa nhiều bí mật chưa được giải mã.