Điểm danh các hệ thống phát hiện vật thể lạ táo bạo ở sân bay

Các hệ thống tự động phát hiện vật thể lạ ở sân bay thường sử dụng công nghệ radar, camera độ phân giải cao, được gắn trên tháp cố định, công trình, thiết bị chiếu sáng sân bay hoặc nóc xe.


Hệ thống FOD Finder của Trex Enterprises (Mỹ) được gắn trên nóc xe, tạo sự cơ động cao. (Ảnh: Chicago O'Hare).

Hệ thống FODetect của Xsight Systems (Israel)

Hệ thống FODetect sử dụng camera có độ phân giải cao và radar sóng dài (sóng milimet), gắn trên công trình, thiết bị chiếu sáng sân bay.

Tiến trình hoạt động của FODetect gồm 5 bước: Quét và phát hiện (sử dụng công nghệ radar và xử lý hình ảnh tiên tiến); Cảnh báo (thể hiện cảnh báo âm thanh-hình ảnh tại bảng điều khiển, giúp người vận hành biết được hình ảnh và vị trí của vật thể lạ, chim, thú...);

Xem xét và phân loại (người vận hành xem hình ảnh truyền về theo thời gian thực cùng dữ liệu về kích thước, vị trí... để có quyết định phù hợp); Loại bỏ (trong trường hợp cần thiết, xe được đưa vào để dọn dẹp vật thể lạ dưới sự trợ giúp của laser định hướng và tọa độ GPS);

Đánh giá sự kiện và lưu trữ dữ liệu (kết luận về nguồn gốc và tần suất xuất hiện của vật thể lạ, giúp giảm thiểu sự xuất hiện trong tương lai).

Theo Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ, chi phí lắp đặt hệ thống FODetect trên một đường băng vào khoảng 1,7 triệu USD (tương đương 38 tỷ đồng).

Hệ thống Tarsier Radar của hãng QinetiQ (Anh)

Hệ thống Tarsier Radar sử dụng các radar tần số cao, phân giải cao quét khu vực đường băng 24/24h để tìm kiếm vật thể lạ có thể gây nguy hiểm cho các chuyến bay.

Nếu phát hiện động vật, đồ vật, camera tích hợp ghi hình cận cảnh rõ nét trong mọi điều kiện ánh sáng để người điều hành tự tin ra quyết định phù hợp.

Tarsier Radar cũng có các công cụ cho phép người dùng lưu trữ, xem lại và phân tích tất cả dữ liệu về vật thể lạ. Thông qua giao diện đồ họa linh hoạt, hệ thống làm nổi bật những điểm nóng và xu hướng liên quan vật thể lạ, giúp xác định nguồn gốc của chúng.

Thông tin này cho phép người dùng chủ động xử lý để ngăn vật thể lạ, đặc biệt là động vật hoang dã, chim chóc xuất hiện trên đường băng, đường lăn.

Tarsier Radar hiện được lắp đặt ở sân bay quốc tế Heathrow (Anh), Vancouver (Canada), Dubai (Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất), Doha (Qatar)...

Hệ thống iFerret của hãng Stratech (Singapore)

Hệ thống iFerret sử dụng camera có độ phân giải cao gắn trên tháp cố định. Các cảm biến điện quang tự động phát hiện, định vị, phân loại và ghi nhận các vật thể lạ ở sân bay.

Tháng 8/2008, Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore đồng ý để Stratech triển khai iFerret tại các đường băng ở sân bay Changi của nước này. Hợp đồng này đánh dấu ứng dụng thương mại đầu tiên của iFerret (hệ thống hoạt động từ năm 2009).

Hệ thống FOD Finder của Trex Enterprises (Mỹ)

Hệ thống FOD Finder sử dụng radar sóng dài và camera hồng ngoại, gắn trên nóc xe của sân bay.

Radar tích hợp cảm biến 78-81 GHz cho phép quét khu vực với góc xấp xỉ 80 độ ở phía trước của xe, với tốc độ 30 lần/phút, khoảng cách phát hiện trước xe khoảng 200m và diện tích phát hiện khoảng 1x1m.

FOD Finder cũng bao gồm khả năng định vị vệ tinh GPS chất lượng cao, phối hợp với phần mềm hệ thống để cung cấp vị trí, hình ảnh vật thể lạ.

Camera gắn trên nóc xe được dùng để chụp ảnh vật thể và hệ thống sẽ dán nhãn chúng là chim, thú, đinh vít... cùng với thông tin ngày giờ, vị trí dưới dạng mã vạch.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất