Điều gì đã giúp các loài cá vùng biển sâu chịu được áp lực nước lên đến hàng ngàn tấn trên mỗi mét vuông?

Thật ra không có gì phức tạp cả, chúng chỉ đơn giản là “thuận theo tự nhiên” thôi.

Khối lượng riêng của nước tính làm tròn thì cứ 1 m khối sẽ nặng tầm 1 tấn. Nếu giả sử bạn có thể lặn sâu xuống 1 km thì lúc này, áp lực của nước lên cơ thể bạn sẽ tương đương một cột nước cao 1 km đè lên diện tích 1m vuông, tức là 1000 tấn đè lên 1 m vuông đấy, đó là một con số thực sự khủng khiếp!

Đây cũng chính điều khiến cho con người không thể tự mình lặn xuống biển để khám phá đáy biển mà phải cần đến những con tàu chuyên dụng có khoang gia cường đặc biệt để làm được điều đó. Tàu ngầm quân sự hiện nay cũng chỉ đạt đến độ sâu tối đa trung bình khoảng 300-400 m mà thôi. Thế mà vẫn có những sinh vật biển có thể bơi lội tung tăng ở độ sâu lên đến vài km mà chẳng cần đến biện pháp đặc biệt gì cả. Vậy, chúng đã làm như thế nào?

Trước hết, chúng ta hãy điểm qua một vài cái tên tiêu biểu trong số chúng.


Cá chình bồ nông. Với chiếc hàm ngoại cỡ và phần da dưới hàm có thể co dãn được, bọn này có thể nuốt sống những con mồi thậm chí còn lớn hơn cả chúng.


Cá vây chân lưng gù, bác nào từng chơi Feeding Frenzy sẽ biết con này.


Telescopefish, nó có tên như vậy là do đôi mắt đặc biệt hình ống kính.


Một con cá mắt thùng, nó nhận biết thế giới thông qua 2 nhãn cầu nằm sâu trong phần đầu trong suốt.

Cơ thể của những loài cá này không hệ có một cấu trúc đặc biệt nào để chống lại áp suất khủng khiếp lên đến hàng nghìn tấn trên mỗi m vuông cả. Về cơ bản thì chúng không chống lại áp suất, chúng chỉ đơn giản là “thuận theo tự nhiên thôi”.

Điều đó cũng giống như cơ thể con người trong áp suất khí quyển vậy, trên thực tế là khi bạn đang đọc bài viết này, cơ thể của bạn đang chịu mức áp suất đâu đó khoảng 10 tấn trên 1 m vuông. Tuy nhiên bạn không thể cảm nhận thấy điều đó là bởi vì áp suất từ môi trường ép vào và áp suất từ trong cơ thể bạn ép ra là bằng nhau. Có thể xem như áp suất của cơ thể bạn là tương đương áp suất khí quyển, bằng 1 atm.

Khi bạn lặn xuống nước, ngoài áp suất khí quyển ra thì cơ thể bạn sẽ phải chịu thêm áp suất nước nữa. Lúc này thì áp suất môi trường sẽ lớn hơn áp suất của cơ thể nên nó sẽ ép vào trong cơ thể bạn. Lặn càng sâu thì áp suất chênh lệch sẽ càng lớn, và bạn sẽ thấy sức ép lên cơ thể mình càng mạnh.

Quay lại với mấy con cá mà chúng ta vừa nói đến. Tại độ sâu mà chúng đang sống thì áp suất cơ thể chúng là cân bằng với áp suất môi trường. Vì thế nên chúng không cần phải có biện pháp gì đặc biệt, về cơ bản là chúng sẽ chẳng cảm thấy tí áp lực nào hết. Chúng đã thích nghi, tiến hóa để sống dưới biển trong hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu năm để có thể đạt đến được độ sâu hiện tại. Chúng không cần phải chống lại áp suất môi trường vì chính cơ thể chúng đã là một phần của môi trường áp suất đó rồi.

Ngược lại nếu bây giờ bạn bắt một con cá từ độ sâu lớn lên thì khi đó, áp suất cơ thể của nó sẽ lớn hơn nhiều so với áp suất môi trường. Mức áp suất đó sẽ đẩy mắt của nó trồi ra khỏi hốc mắt, bao tử hay thậm chí là các cơ quan nội tạng sẽ bị lộn ngược ra đường miệng… Trong trường hợp nhẹ thì nó sẽ vẫn có thể sống sót nếu như được trở lại độ sâu thích hợp kịp thời, còn trường hợp nặng thì nó sẽ xác định luôn.

OK, trên đây là lý do vì sao mà các loài cá biển sâu có thể sống tốt trong môi trường áp suất cực lớn. Hy vọng thông tin này thú vị với các bạn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất